Doanh nghiệp tự “gỡ” khi khó vay USD

Cuối năm, nhu cầu vay USD của DN XNK bao giờ cũng tăng cao. Năm nay, việc vay ngoại tệ khó khăn hơn do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2012/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng. Các DN đã tìm cách “vay mượn” ngoại tệ khác để thực hiện hoạt động XNK.

Khó vay USD
Ngày 2-5-2012, Thông tư 03 về vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo văn bản này, ngân hàng chỉ cho vay USD nếu DN chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Các DN không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ chỉ được phép vay khi có văn bản chính thức của Ngân hàng Nhà nước với từng trường hợp cụ thể. Việc chứng minh DN mình có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ là một điều rất quan trọng đối với DN lúc này, nhưng khi môi trường kinh doanh khó khăn, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra.
Chị Hoàng Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty Đức Nguyên, chuyên kinh doanh, NK hàng thiết bị gia dụng cho biết, khác với các DN hoạt động cả XK và NK thường có sẵn nguồn thu ngoại tệ nên dễ được ngân hàng cho vay USD, thậm chí họ không cần vay USD ở ngân hàng nhưng vẫn có nguồn ngoại tệ cân đối cho hoạt động sản xuất, còn DN của chị chỉ đơn thuần NK mà không XK nên dù thật sự có nhu cầu vay USD để phục vụ kinh doanh nhưng sản phẩm làm ra chỉ bán trong nước nên không chứng minh được là có ngoại tệ để trả.
Đại diện cho khối DN có cả hoạt động XK và NK nhưng vẫn khó thuyết phục được ngân hàng về khả năng nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, anh Đỗ Công Hoàng, Công ty TNHH Thành Công cho biết, là DN NK nguyên vật liệu may mặc về rồi gia công sau đó xuất lại cho đối tác nước ngoài nhưng quy mô của DN Thành Công không lớn nên rất khó tiếp cận được vốn vay USD từ ngân hàng sau thời điểm Thông tư 03 có hiệu lực. Do đó dựa vào đặc thù hoạt động của DN, anh Hoàng đã có cách thức riêng để tiếp tục thực hiện sản xuất, đảm bảo đời sống ổn định cho công nhân của Công ty.

Tạo sự tin cậy
Là DN chuyên gia công 10 năm nay nên Công ty Thành Công đã có một số đối tác tin cậy, truyền thống. Dựa trên sự tin cậy của đối tác, Công ty Thành Công đã đề xuất và thực hiện thành công cách thức “vay tạm” USD của đối tác như sau: Để thực hiện một hợp đồng mới, Công ty Thành Công đã được đối tác xuất trước cho nguyên liệu sản xuất. Thực hiện công đoạn gia công xong, khi sản phẩm hoàn chỉnh được Công ty Thành Công XK đến kho của đối tác, số tiền mà Công ty Thành Công đã “mua” nguyên vật liệu sẽ được đối tác cấn trừ vào tiền công. Cách làm này của Thành Công được lợi cho DN là không bị phụ thuộc vào nguồn vốn USD của ngân hàng mà đảm bảo tiến độ các hợp đồng. Tuy nhiên, anh Hoàng cũng cho biết, để thực hiện được cách làm này, ngoài chữ “tín”, DN cũng phải đáp ứng một số tiêu chí mang tính “kỹ thuật” về khả năng hoàn lại số ngoại tệ tương ứng với giá trị số nguyên vật liệu được xuất kho trước.
Ngoài cách thức này của DN, theo các ngân hàng, hệ thống ngân hàng thương mại hiện đã có khá đầy đủ các công cụ hỗ trợ hoạt động XNK của DN. Một cách khá tiện ích cho DN chuyên NK là bao thanh toán: Sau khi DN có hợp đồng NK, các ngân hàng sẽ cho DN vay vốn bằng cách thanh toán tiền mua hàng hóa cho đối tác nước ngoài, sau đó, DN sẽ từng bước trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, đối với DN chuyên NK nên tham gia các dịch vụ, chuyển tài khoản tiền gửi thanh toán… tại các ngân hàng để “lọt” vào đối tượng vay vốn với lãi suất thấp bởi ngân hàng có thể theo dõi và kiểm soát được quá trình hoạt động cũng như khả năng trả nợ của DN. Hiện nay nhiều ngân hàng cũng đã thiết kế chuỗi sản phẩm tín dụng liên hoàn dành cho DN XNK, từ khâu thu mua cho đến khâu bao thanh toán hàng hóa. Vấn đề là DN tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm soát toàn bộ dòng tiền, tạo dựng cho ngân hàng niềm tin trả nợ để dễ dàng tiếp cận vốn. Đối với DN ở tận cuối bảng danh sách lựa chọn của ngân hàng, nếu không thể tiếp cận được vốn USD, DN vẫn có thể mua USD bởi các DN XK khi có nguồn ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng và ngân hàng sẽ cân đối để cho những DN có nhu cầu thực sự mua.

Theo dddn