Gần hết quý III, nhiều doanh nghiệp xin điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh vì doanh thu sụt giảm, lợi nhuận thấp thì cũng có không ít đơn vị vẫn có lợi nhuận tốt.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản, làm ăn kinh doanh thua lỗ. Trên sàn chứng khoán nhiều đơn vị niêm yết xin giảm chỉ tiêu, nhưng vẫn có tăng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí còn vượt xa kế hoạch đề ra.
Các doanh nghiệp này rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực kể cả bất động sản, công nghệ thông tin, thực phẩm… Cổ phiếu của những doanh nghiệp luôn có giá cao được nhà đầu tư đón đầu mua vào. Hình như, khủng hoảng kinh tế chỉ là những “cơn gió” thoảng qua không ảnh hưởng nhiều lắm đến những doanh nghiệp này.
Lợi nhuận tốt
Gần hết quý III, nhiều doanh nghiệp xin điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh vì doanh thu sụt giảm, lợi nhuận thấp thì cũng có không ít đơn vị vẫn có lợi nhuận tốt. Trong đó, có những doanh nghiệp lớn dù doanh thu có giảm, nhưng lợi nhuận lại tăng. Hoặc những lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù thị trường đóng băng, chịu nhiều tiêu cực nhưng hoạt động của Vingroup vẫn vượt trội cả về quy mô vốn và lợi nhuận đều ở mức “khủng”.
Theo thống kê có những doanh nghiệp trước đây bị thiệt hại nặng nề bởi biến động của khủng hoảng thì nay lại tăng trưởng đột biến. Điển hình nhất Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (PPC) là doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ tăng trưởng trên 500%.
Lợi nhuận của doanh nghiệp này đôi khi tăng giảm phụ thuộc rất nhiều vào đồng Yên Nhật. Trước đây, đồng Yên tăng giá, PPC phải trích lập dự phòng rất lớn, nên lợi nhuận sụt giảm mạnh. Giờ đồng Yên giảm giá, PPC nghiễm nhiên được hưởng một khoản lãi chênh lệch tỷ giá hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận cũng tăng gấp vài trăm lần đạt 1.300 tỷ đồng 6 tháng đầu năm so với mức 195 tỷ đồng trong năm trước.
Vingroup cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng, đạt 223%. Công ty tiến hành ghi nhận lợi nhuận vụ chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của công ty con cho đối tác, bên cạnh đó là hoạt động kinh doanh thường xuyên từ các nhóm thương hiệu Vincom, Vinpearl tiếp tục đem lại nguồn lợi nhuận và tăng trưởng ổn định.
Cổ phiếu REE cũng sống khỏe, đạt lợi nhuận tốt nhờ công ty liên kết. Công ty thừa nhận việc hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu các công ty liên kết mới như PPC, Than Đèo Nai (TDN), Than Núi Béo (NBC) đã góp phần mang lại lợi nhuận lớn (riêng quý II lãi từ công ty liên kết 382 tỷ đồng). Theo đó, lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đôi khi phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khác.
Trong lúc những doanh nghiệp lớn sống khoẻ, công bố mức lợi nhuận cao thì nhiều doanh nghiệp khác lại phải điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận. Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) đã quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 135 tỷ đồng xuống còn 105 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Xin giảm chỉ tiêu
Hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, nửa đầu năm mới đạt 3 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng vẫn cam mức cổ tức tối thiểu là 9%. Trước đó, Công ty CP Đầu tư Tài chính giáo dục (EFI) cũng đã nhất trí điều chỉnh giảm gần một nửa kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013, từ 15,4 tỷ đồng xuống còn 8,3 tỷ đồng.
Một loạt doanh nghiệp khác như Công ty CP Cao su Thống nhất (TNC) điều chỉnh giảm lợi nhuận từ 43 tỷ đồng xuống còn 33,5 tỷ đồng. Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) lợi nhuận điều chỉnh giảm từ 17,5 tỷ đồng xuống còn 4 tỷ đồng, nhưng doanh thu được điều chỉnh tăng nhẹ từ 181 tỷ đồng lên 185 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không đạt chỉ tiêu cũng muốn điều chỉnh giảm như Công ty CP Xi măng Hoàng Mai (HOM) đang bị thua lỗ 23 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nên chẳng thể nào đạt mục tiêu lợi nhuận là 95 tỷ đồng năm 2013.
Trái ngược với việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận, cổ phiếu VHG của Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn lại gây bất ngờ khi điều chỉnh mức lỗ thành lãi. VHG từng nằm trong diện bị kiểm soát và tạm ngừng giao dịch.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2013, VHG đạt lợi nhuận sau thuế trên 54 tỷ đồng, đồng thời khoản lỗ lũy kế của VHG giảm từ 66,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 11,7 tỷ đồng. Cho nên, công ty mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2013 âm 20 tỷ đồng sang lãi 130 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo VHG, công ty đang từng bước thanh lý tài sản và các khoản đầu tư nhằm thu hồi nguồn tiền đầu tư, tập trung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh lõi. Cụ thể, VHG đang đàm phán với đối tác để chuyển nhượng 60% cổ phần trong dự án trồng cao su và dự kiến thu về khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp tục thanh lý phần vốn dự án bất động sản…
Trước những khó khăn của nền kinh tế, sự biến động khó lường từ môi trường kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, một số doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp thực tiễn là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc điều chỉnh của VHG từ mức lợi nhuận âm thành lãi khủng thì gần như chưa có tiền lệ trên thị trường. Bởi trước những bất ổn còn tiềm tàng mà doanh nghiệp công bố mức thay đổi quá lớn khiến dư luận, cổ đông đặt dấu hỏi nghi ngờ về khả năng điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Thời báo kinh doanh