Áp dụng bộ nhận diện thương hiệu: Dễ mà khó

Doanh nghiệp có thể phát triển các giải pháp về mẫu định dạng format cho truyền thông tĩnh một lần là có được cả một hệ thống để sử dụng trong hàng chục năm. Trong khi đó, bản chất luôn luôn thay đổi của truyền thông động đòi hỏi tính cách thương hiệu phải thường xuyên được thể hiện lại theo những cách thức mới. Vì thế, nhiệm vụ của các nhà thiết kế thương hiệu là phải vừa đảm bảo một diện mạo độc đáo và nhất quán, đồng thời cũng phải đủ linh hoạt để thể hiện thương hiệu một cách mới mẻ.

Ảnh minh họa
Truyền thông “tĩnh”: Cần sự nhất quán
Truyền thông tĩnh là các loại tài liệu truyền thông có thể đòi hỏi những thay đổi thường xuyên về mặt nội dung nhưng vẫn giữ nguyên cách thức sắp xếp và bố cục của những nội dung đó. Những giấy tờ điển hình gồm có giấy tờ văn phòng, biểu mẫu giao dịch, hệ thống biển hiệu… 
Một ví dụ cho truyền thông tĩnh chính là tấm danh thiếp của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tuyển nhân viên mới hoặc có quyết định thăng chức đối với nhân viên cũ, không cần thiết phải thuê công ty thiết kế làm lại mẫu danh thiếp mới, chỉ cần doanh nghiệp cung cấp cho nhà in những thông tin mới và yêu cầu họ tuân theo hệ thống định dạng format sẵn có của doanh nghiệp.
Rõ ràng việc sử dụng mẫu định dạng format như vậy sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian và ngân sách. Hơn nữa, nếu các hệ thống tài liệu truyền thông tĩnh được thực hiện bởi một nhà thiết kế giàu kinh nghiệm, phần nội dung thể hiện trên các tài liệu truyền thông tĩnh như biểu mẫu giao dịch hay tài liệu giới thiệu thông tin sản phẩm có thể được định dạng khéo léo để thể hiện bố cục rõ ràng với ấn tượng tích cực, đồng thời giúp người sử dụng dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Tiết kiệm chi phí, dễ sử dụng và phối hợp để tạo nên ấn tượng thương hiệu – tất cả những điều này có thể đạt được thông qua một thệ thống truyền thông tĩnh hiệu quả.
Một cách rất đơn giản để xác định doanh nghiệp của bạn có sử dụng hệ thống tài liệu truyền thông tĩnh hiệu quả hay không là bày ra toàn bộ các tài liệu in ấn, hình chụp các tài liệu này và đánh giá xem liệu chúng có tạo được một ấn tượng chung nhất quán. 
Thông thường chỉ cần chọn lấy danh thiếp của tất cả mọi người trong doanh nghiệp rồi so sánh chúng là cũng đủ để bạn đánh giá. Nếu bạn nhận thấy chúng áp dụng các màu sắc khác nhau, kiểu chữ và mẫu định dạng format khác nhau, thì doanh nghiệp bạn đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để nhấn mạnh hình ảnh nhất quán của thương hiệu.
Truyền thông “động”: Đề cao sự linh hoạt
Truyền thông “động” là phương tiện truyền thông thay đổi thường xuyên để ứng biến với tình hình thị trường và những sáng kiến mới cho thương hiệu, chẳng hạn như quảng cáo báo chí, biển quảng cáo tấm lớn, website, biểu ngữ hay các tài liệu truyền thông tại điểm bán hàng, phim quảng cáo truyền hình, banner quảng cáo trên website và nhiều loại hình truyền thông mới mà mỗi năm các nhà truyền thông marketing lại nghĩ ra thêm.
“Động” là một khái niệm rất hay để sử dụng cho các loại tài liệu truyền thông nói trên, bởi vì chúng xuất hiện trong bối cảnh thị trường luôn biến đổi và số lượng các phương tiện truyền thông cạnh tranh ngày một gia tăng. 
Ngày nay, trong một số ấn phẩm, phần quảng cáo thậm chí còn chiếm nhiều hơn cả phần nội dung những bài xã luận. Tạo được ấn tượng là tiêu chí đầu tiên của các hình thức truyền thông như vậy. Để làm được điều này thì việc trình bày không chỉ đơn thuần là đưa ra những bức ảnh và tiêu đề mới mà còn đòi hỏi cả bố cục mới. Thậm chí, trong những chiến dịch quảng cáo được tiến hành một cách kỹ lưỡng cũng hiếm khi mẫu định dạng format được duy trì hiệu quả lâu hơn một hoặc hai năm.
Do vậy, để mẫu định dạng format cốt lõi của thương hiệu thực sự mang lại hiệu quả thì nó phải gắn kết được các tài liệu truyền thông tĩnh và động với một diện mạo độc đáo và nhất quán, đồng thời cũng phải đủ linh hoạt để các tài liệu truyền thông động thể hiện thương hiệu một cách mới mẻ. 
Chính vấn đề hai mặt này khiến cho việc xây dựng mẫu định dạng format chuẩn cho thương hiệu trở thành một trong những nhiệm vụ thách thức nhất đối với các nhà thiết kế thương hiệu.
Điều khiến cho việc này còn mang tính thách thức hơn nữa là ở chỗ: nếu mẫu định dạng thương hiệu mới chỉ đáp ứng được tiêu chí vừa nhất quán vừa linh động thì vẫn chưa đủ. Để định dạng format của thương hiệu hỗ trợ cho những mục tiêu chiến lược, mẫu định dạng được thiết kế tốt cần phải toát lên một cảm giác phù hợp với các nét tính cách của thương hiệu. Những nét tính cách này đã được phát triển từ các quyết định chiến lược ban đầu của doanh nghiệp nhằm tạo sự khác biệt tốt nhất cho thương hiệu trên thị trường.
Tìm ra sự cân đối hài hòa giữa nhiều mục tiêu mang tính đối lập là điều không dễ dàng. Rất nhiều thương hiệu có tên gọi hay và mẫu logo tốt nhưng lại không biết cách sử dụng chúng hiệu quả để tạo ra hình ảnh dễ nhớ cho thương hiệu. Thường trong những trường hợp này, thất bại nằm ở hệ thống các tài liệu truyền thông “động”.
Doanh nghiệp có thể phát triển các giải pháp về mẫu định dạng format cho truyền thông tĩnh một lần là có được cả một hệ thống để sử dụng trong hàng chục năm chỉ với những thay đổi về mặt thông tin nội dung. Trong khi đó, bản chất luôn luôn thay đổi của truyền thông động đòi hỏi tính cách thương hiệu phải thường xuyên được thể hiện lại theo những cách thức mới khác nhau. 
Nếu nhà thiết kế không hiểu một cách thấu đáo chiến lược khác biệt hóa và tính cách thương hiệu thì sẽ có nhiều khả năng những phương thức thể hiện mới cho định dạng của thương hiệu sẽ đi chệch tính cách thương hiệu. Và nếu những tiêu chí nền tảng chiến lược chưa được thiết lập sẵn sàng thì các tài liệu truyền thông động sẽ không thể tạo được một ấn tượng đúng và nhất quán cho thương hiệu cho dù chúng được giao vào tay đội ngũ sáng tạo rất tài giỏi đi chăng nữa. Lúc đó những người làm sáng tạo sẽ chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

Theo “Đầu tư cho chiến lược hình ảnh thương hiệu”