6 bài học xương máu khi khởi sự công ty

Chọn sai đội ngũ, định giá kém, dè xẻn trong marketing,… là những sai lầm chết người có thể nhấn chìm cả một công ty khởi sự.
Ảnh minh họa.
Có đủ thứ cần tiêu pha khi bắt đầu một công ty, việc chi tiêu sáng suốt trong mọi quyết định là nhiệm vụ bất khả thi.

Nhưng một số sai lầm lớn có thể khiến một công ty non yếu lâm vào bờ vực. 

Dưới đây là 6 lỗi đắt giá nhất trong quá trình khởi nghiệp do tạp chí Entrepreneur liệt kê, và các lời khuyên từ chuyên gia để phòng tránh chúng.

1. Chọn sai đội ngũ

Bill Aulet – Giám đốc điều hành trung tâm khởi nghiệp Martin Trust Center for MIT Entrepreneurship, đồng thời là tác giả nhiều đầu sách kinh doanh – khẳng định chọn đội sai là lỗi lầm nghiêm trọng nhất một doanh nhân có thể gặp phải. 

Nó không chỉ dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc, mà nó còn làm xói mòn nhuệ khí của tổ chức.
“Thuê người hay chọn người hợp tác khởi nghiệp cũng giống như chơi bóng rổ trên sân trường vậy, bạn có thể chọn bạn thân để chơi cùng cho vui, nhưng nếu muốn thắng, cần phải lựa chọn thành viên một cách cẩn thận”, ông giải thích. 

Điểm quan trọng là phải chọn được nhiều người sở hữu nhiều kỹ năng khác nhau. 

Tuy nhiên, ông khẳng định “giống như một đội chơi thể thao hay, tất cả bọn họ phải tôn thờ chung một giá trị và có thể tin tưởng lẫn nhau trong tình huống khó khăn. Đó là lý do vì sao những đồng sáng lập gia hay các nhân viên từng trải qua thời kỳ gập ghềnh cùng bạn được đánh giá cao”. 

2. Định giá tồi

“Sai lầm lới nhất trong dự án đầu đời của tôi – một công ty túi xách – là định giá”, bà Sarah Shaw – CEO của Entreprenette – một doanh nghiệp tư vấn tại Colorado, Mỹ cho biết. 

“Tôi không biết gì về quần áo hay phụ biệt, nên tôi phải tính diện tích mét vuông của từng loại vải, bao gồm cả vải thừa”, bà giải thích. 

Và khi bà không hiểu chi phí là bao nhiêu, bà cũng không thể định giá chính xác sản phẩm. 

“Tôi nghĩ cứ nhân đôi giá lên là được, nhưng tôi đã sai”, bà nói. 
Sản phẩm túi xách của Sarah Shaw.

Tag giá khi chuyển đến phân phối bán buôn phải là 2,5 lần chi phí, mới đủ để trang trải phí marketing, cửa hàng trưng bày, mọi thứ… bà cho biết. 

Trong hai năm đầu, bà đã phải bỏ ra hơn 100.000USD tiền tiết kiệm. 
Nhưng nhờ sự lan tỏa của truyền thông và những người nổi tiếng, bà thu về 1 triệu USD doanh thu hàng năm, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Nhưng cú sốc sự kiện 9/11 đã đẩy công ty của bà sụp đổ, bà từ bỏ dự án năm 2002. 

Cũng giống như Shaw, Tobin Booth, CEO công ty năng lượng Blue Oak Energy, đã trả giá đắt cho sai lầm tương tự. 

Năm 2010, công ty trụ sở California chuyên thiết kế và sản xuất hệ thống quang điện, đã ký hợp đồng lắp đặt sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời tại các chuỗi bán lẻ trong phạm vi 8 bang.

“Đây là lĩnh vực chúng tôi hoàn toàn mù mờ, đồng thời là một thị trường cạnh tranh rất khắc nghiệt”.

“Chúng tôi không hiểu mức chênh thuế giữa các bang, cũng như chi phí lao công. Rồi nhiều đợt hàng bị hoãn do thời tiết và vận chuyển”, ông kể lại.

Công ty chưa có kế hoạch đối phó trong những đợt chậm chễ gây phát sinh phí lưu kho như vậy, và con số lên tới nửa triệu USD trong năm 2011.

Booth cho biết sai lầm trong tính toán là một trong những kinh nghiệm đau thương nhất sự nghiệp kinh doanh của ông.

3. Trì hoãn đợi thời cơ

Khi bạn có một ý tưởng xuất chúng, bạn thường muốn tung chúng ra khi mọi thứ hoàn hảo. 

“Đây là lỗi thường thấy, nhất là với các công ty công nghệ”, Drew Williams, đồng tác giả của cuốn Feed the Startup Beast khẳng định. 

“Nhiều người muốn viết ra một ứng dụng và “ém hàng” chừng nào nó chưa đạt đến mức hoàn hảo, nhưng việc này khiến họ phải chờ quá lâu và tốn quá nhiều tiền”. 

“Đặc biệt, sai lầm này sẽ khiến bạn cạn vốn trước khi ra mắt sản phẩm và có được khách hàng”, ông cảnh báo.

Theo ông, đầu tiên doanh nhân cần phác ra được một bản mẫu đơn giản và cơ bản của sản phẩm theo ý tưởng, rồi sau đó tìm được khách hàng mục tiêu. 

“Hãy tìm một hoặc hai khác hàng sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm đang được xây dựng, chạy thử và chính sửa của bạn. Nếu có được khách hàng thực, bạn sẽ tạo ra một sản phẩm tốt hơn, với chi phí rẻ hơn”. 

4. Mù công nghệ

Khi xây dựng Traklight – công ty phần mềm giúp cá nhân và doanh nghiệp xác định và bảo vệ tài sản trí tuệ – bà Mary Juetten còn nhiều điều chưa biết. 

“Tôi biết cách vạch ra các tính năng cần thiết của phần mềm, nhưng tôi không biết gì về viết mã phần mềm hay phát triển web”, bà tâm sự.

Bà nhờ một người đồng sáng lập có chuyên môn trong lĩnh vực này, nhưng khi hai người ngừng hợp tác, bà đã lúng túng. 

“Đó là lúc tôi mắc sai lầm: Tôi tìm ra ý tưởng tốt nhất, nhưng không tự học các ngôn ngữ lập trình, cũng chẳng hợp tác với ai ai rành về chuyện ấy”, bà kể lại. 

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn phát triển phần mềm kéo dài trong 4 tháng, nhưng trên thực tế, nó ngốn tới 9 tháng. 

Từ phi vụ đó, bà rút ra kết luận: “Với công nghệ, thời điểm ra mắt thị trường là yếu tố quyết định. Vì vậy những doanh nhân nào không biết gì về kỹ thuật thì nên tự học”. 

5. Tiết kiệm tiền thuê luật sư

Một bài học xương máu khác của Booth – CEO công ty Blue Oak Energy là dè xẻn chi tiêu vào luật sư khi công ty còn trứng nước.

“Nếu tôi được làm lại từ đầu một số thứ, tôi sẽ chi vài nghìn USD để luật sư soạn thảo ra một cái hợp đồng cho tử tế. Vị luật sư thời đó không hiểu việc kinh doanh của tôi”. 

Còn Shaw, bà đã ký một hợp đồng trong đó dùng chính tên cô làm tên đăng ký thương mại cho công ty túi xách. 

Sau này khi các nhà đầu tư mua cổ phần công ty, tên của bà thuộc về họ. 

“Tôi không thể dùng tên của chính mình để làm ăn nữa. Ước gì tôi đã thuê một luật sư để giám sát giúp tôi”, bà nói. 

6. Dè xẻn trong marketing

Sau khi trình làng Traklight, bà Juetten phát hiện website không được liệt kê hợp lý trên công cụ tìm kiếm. 

“Chẳng ai tìm thấy chúng tôi cả”, bà kể lại. Vì vậy bà quyết định đầu tư vào một chương trình tiếp thị nội địa. 

“Khoản phí tổn này khiến công ty nhỏ như chúng tôi choáng ngợp, nhưng chúng tôi không mất phí sửa trang web, thay vào đó, chúng tôi tiếp thị qua email và quản lý quan hệ khách hàng”, bà giải thích. 
Chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Tháng 4/2013, Traklight thu hút 100 lượt ghé thăm mỗi tháng. Đến cuối năm, con số này đã cán mốc 2.800.
“Ai cũng nghĩ người khác cần tiếp thị sản phẩm của họ, còn mình thì không, vì sản phẩm của mình tốt quá rồi”, tác giả Wiliams chỉ ra. 

Có một bí ẩn chưa được xác minh cho rằng thu hút khách hàng qua truyền thông xã hội để tạo tính lan truyền là hoàn toàn miễn phí. 

Tuy nhiên ông khẳng định truyền thông xã hội không hề miễn phí. 

“Để làm cho đúng thì tốn thời gian vô cùng, thường phải mất 6 tháng đến 1 năm để bạn có đà nhẹ, không nhanh chút nào”. 

Nếu bạn vẫn thắc mắc về tỷ lệ vốn đổ vào marketing thế nào là hợp lý, Wiliams gợi ý nên dành ra 10 – 20% doanh thu mục tiêu của bạn. 

Khi công ty vững chắc, tỷ lệ này giảm xuống còn 5 – 10%, cuối cùng còn 5% hoặc ít hơn khi công ty hoàn toàn lớn mạnh, ông liệt kê.

Tóm lại, cách tốt nhất để tránh những sai lầm tốn kém là tiết kiệm và chi tiêu khôn ngoan. 

“Thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm mọi thứ có thể, tạo nguồn vốn dồi dào, bạn sẽ cần tới nó.” Williams khuyên.

Theo Bizlive