Giáo dục với những đổi mới mang tính bền vững

GD&TĐ – Đó là nhận định của một số lãnh đạo chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai khi trao đổi với chúng tôi về những đổi mới của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Ảnh minh họa

Ông Lê Quang Minh – PCT UBND TP Lào Cai: Đòn bẩy để thực hiện đổi mới GD bền vững
Ông Lê Quang Minh Để nói về những thành công trong công tác đổi mới GD-ĐT trong thời gian qua thì có rất nhiều, tuy nhiên tôi ấn tượng nhất đó là ngành Giáo dục đã có được một nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đó chính là Nghị quyết số 29 – NQ/TW của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thể nói đây là cơ sở, là đòn bẩy chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục mang tính bền vững.
Ngay như ở TP Lào Cai, từ khi có Nghị quyết này, giáo dục đã đi đúng hướng hơn. Cũng nhờ có Nghị quyết mà chúng tôi cũng dễ dàng hơn trong việc triển khai, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc về lĩnh vực giáo dục.

Qua kiểm tra khảo sát cho thấy, thời gian qua 100% các trường trên địa bàn thành phố đã quan tâm, chú ý đến việc giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Nhiều trường đã có những đổi mới rất sáng tạo, linh hoạt trong cách giáo dục. Ví dụ, giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần không còn là những ghi lễ cứng nhắc mà được vận dụng một cách linh hoạt và mềm dẻo.

Cụ thể sau nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca nhiều trường đã tổ chức những hoạt động “học mà chơi – chơi mà học” như: Tổ chức thi “rung chuông vàng”, các hoạt động đố vui, tuần tiếp theo là tổ chức các hoạt cảnh sân khấu…Thông qua đó, vừa giáo dục được truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho học sinh, vừa cung cấp cho các em những kỹ năng mềm như: Kỹ năng thuyết trình, hùng biện, kỹ năng nói trước đám đông và kỹ năng giao tiếp…

Hay như giờ sinh hoạt cuối tuần đã không còn là những buổi nhận xét, đánh giá phê bình, kiểm điểm học sinh như trước đây, mà đã trở thành những tiết học được các em hồ hởi đón nhận. Thông qua giờ sinh hoạt, giáo viên đã biết lồng ghép giáo dục về tình bạn, về lòng nhân ái, vị tha cho các em.

Tất cả những điều đó để thấy rằng, Nghị quyết số 29 – NQ/TW đã mang đến một luồng gió mới cho giáo dục vùng dân tộc và đã khắc phục được những hạn chế mà bấy lâu nay giáo dục vùng khó vẫn đang mắc phải.

Vì thế tôi cho rằng đổi mới theo Nghị quyết trên là hoàn toàn có đầy đủ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Đó là những đổi mới mang tính bền vững cho ngành Giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục vùng dân tộc như địa bàn tỉnh Lào Cai của chúng tôi nói riêng.

* Ông Bùi Công Bốn – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen (Mường Khương, Lào Cai): Ghi nhận những chính sách quan tâm đến giáo viên vùng khó

 
Ông Bùi Công Bốn Thời gian qua, không riêng gì cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục, anh em lãnh đạo xã chúng tôi cũng phải cảm ơn và ghi nhận sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với đội ngũ nhà giáo vùng khó.
Trong đó phải kể đến Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ờ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Và mới đây nhất là Nghị định số 19/2013/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định này.

Theo đó nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ.

Điểm mới đặc biệt có ý nghĩa của chính sách này là quy định khi giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút.

Có thể nói, những chính sách trên không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, khích lệ những nhà giáo vượt qua khó khăn để bám trường, bám lớp mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội.

Ý nghĩa của chính sách không chỉ nằm ở giáo viên có thêm được bao nhiêu tiền mỗi tháng mà nó thể hiện được sự quan tâm, sẻ chia của Đảng, Nhà nước, của ngành Giáo dục với những giáo viên đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn. 

Đây cũng chính là một trong những yếu tố căn bản và cốt lõi để góp phần phát triển giáo dục vùng khó mà yếu tố này thể hiện được tính bền vững của nó.

Theo Giaoducthoidai