10 cách tìm được việc trong các ngày hội việc làm

Ngày hội nghề nghiệp là cơ hội rất tốt cho bạn tìm được một công việc mơ ước với mức lương hấp dẫn cùng cơ hội so sánh giữa các công ty với nhau để chọn ra công việc phù hợp nhất với mình. Thế nhưng nhiều người chưa vận dụng tốt cơ hội này và để nhiều cơ hội vụt mất trong tầm tay.


Ảnh minh họa
Sự thật là các ngày hội việc làm có tỷ lệ cạnh tranh khá cao do thu hút được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người cùng đến tham dự và ứng tuyển. Đừng để khung cảnh đông đúc, những hàng dài xếp hàng chờ đợi và hình ảnh nhiều ứng viên sáng sủa với quần áo tươm tất đẹp đẽ và phong thái tự tin khiến bạn chùn bước và cảm thấy tự ti. Nếu bạn không nhận được lời mời công việc nào trong ngày hội nghề nghiệp cũng đừng nản chí, HR Insider có những mẹo hay giúp bạn “sống sót” trong ngày hội việc làm.
 
1. Tìm ngay danh sách các nhà tuyển dụng có mặt trong ngày hôm đó

Ngay khi làm thủ tục check in vào sự kiện nghề nghiệp, hãy lấy ngay danh sách các nhà tuyển dụng. Sau đó đến ngay quầy tuyển dụng của những công ty có việc làm phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của mình nhất hoặc các công ty bạn cảm thấy hứng thú nhất thay vì đi loanh quanh không chủ đích qua các gian hàng. Sau khi đã tiếp cận các công ty bạn thích, bạn có thể tìm hiểu thêm về các công ty khác có mặt tại đó.
 
2. Tra cứu nhanh về công ty bạn thích

Khi có được danh sách công ty có mặt cùng những cơ hội việc làm mà họ đang tuyển dụng, bạn có thể dùng điện thoại để tra cứu nhanh về công ty đó.
 
3. Tìm đường đi thuận tiện nhất trong sự kiện

Hãy xem bản đồ các quầy tuyển dụng trong sự kiện, bản đồ này thường được bố trí ngay cổng vào để mọi người tham khảo, xác định ngay vị trí của những công ty mà bạn đang nhắm tới để tiết kiệm thời gian và công sức nhé.
 
4. Giữ tinh thần điềm tĩnh, năng động và nhiệt tình khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng

Khi tiếp xúc nhà tuyển dụng, hãy thể hiện một phong thái thật chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt. Kiên nhẫn xếp hàng trật tự chờ đến lượt mình, duy trì cuộc trò chuyện thân mật và lắng nghe nhà tuyển dụng.
 
5. Tiếp cận người ra quyết định

Hãy quan sát và tìm ra trưởng phòng nhân sự trong số những nhân viên xung quanh quầy tuyển dụng. Bạn sẽ được cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích và độc quyền từ anh/chị ấy đấy.
 
6. Giới thiệu bản thân thật ấn tượng

Để làm được điều này, bạn cần chuẩn bị tốt phần giới thiệu bản thân ngay ở nhà, tập trung vào những điểm mạnh mà bạn có thể cống hiến cho công ty và làm cho bạn nổi bật hơn các ứng viên khác. Bài giới thiệu này khoảng 2 phút là đủ. Chìa khóa thành công trong phần này chính là hãy giới thiệu những gì mà nhà tuyển dụng muốn nghe và thích thú.
 
7. Tiếp tục theo dõi thông tin sau khi sự kiện kết thúc

Hãy hỏi thông tin tên, số điện thoại, email hoặc đơn giản nhất là namecard của người nhân sự/ trưởng phòng để tiện liên lạc sau này.
 
8. Dư thừa thì cũng tốt thôi

Dù đã gửi CV tại sự kiện, bạn vẫn nên đính kèm CV của mình trong email cảm ơn sau khi sự kiện kết thúc, tốt nhất là gửi đến chuyên viên tuyển dụng và trưởng phòng nhân sự. Trong email hãy nhắc lại chuyện bạn đã gặp đại diện công ty tại sự kiện nghề nghiệp và đã được phỏng vấn tại chỗ. Tóm tắt lại kỹ năng, điểm mạnh, kinh nghiệm mà bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng và bạn có thể đóng góp gì cho công ty trong email một lần nữa.
 
9. Gọi điện thoại đến nhà tuyển dụng

Sau một tuần, hãy gọi điện thoại đến nhà tuyển dụng để biết tình trạng hồ sơ của bạn như thế nào để có thể biết được bạn cần làm gì tiếp theo.
 
10. Không bao giờ tự giới hạn bản thân

Đừng tập trung vào duy nhất một cơ hội, một công ty mà mình ưa thích. Ngày hội việc làm là cơ hội tốt để bạn tìm hiểu thêm các công ty khác có những vị trí hấp dẫn hơn, phúc lợi tốt hơn và phù hợp hơn với bạn. Vì thế hãy chủ động tìm hiểu thêm những công ty khác ngay tại sự kiện, xem họ có những vị trí nào đang tuyển dụng và thử sức với những cơ hội đó.

Theo Hrinsider