Trước khi có một buổi phỏng vấn trực tiếp thì CV (hay Sơ yếu lý lịch) là thứ duy nhất giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Vì thế, điều quan trọng là hãy chuẩn bị một bản CV thật hoàn chỉnh và tránh mắc phải những lỗi sai ngớ ngẩn.
1. Sai chính tả và lỗi ngữ pháp cơ bản
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng thì các nhà tuyển dụng chỉ dành 6 giây để nhìn vào bản CV của bạn. Do đó, nếu phát hiện lỗi chính tả hoặc lỗi chính tả cơ bản trong CV của bạn, họ sẽ ngay lập tức bỏ qua. Chỉ mất 2 giây để bạn đọc và kiểm tra lỗi chính tả trong bản CV của mình, mà bạn cũng không làm. Vậy tại sao họ phải dành 6 giây quý giá để “nghiên cứu” CV của bạn.
2. Nói dối
Đừng nói dối trong bản Sơ yếu lý lịch của bạn, không sớm thì muộn bạn sẽ bị nhà tuyển dụng phát hiện ra. Và khi đó, mọi việc sẽ cực kì tồi tệ. Nếu bạn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà nhà tuyển dụng yêu cầu, hãy cứ thật thà và cho họ biết năng lực của bạn là gì cũng như bạn có thể làm được những việc gì.
3. Sử dụng địa chỉ email hoặc đường link không phù hợp
Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay email đã trở thành phương tiện giao tiếp hàng đầu nơi công sở, vì vậy chẳng có lý do gì để biện hộ cho việc bạn không có một địa chỉ email phù hợp. Đừng dùng địa chỉ email với những cái tên quá teen như babygirl@…, hay nhocxinh@…. Chúng sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá khác về bạn đấy!
4. Sử dụng font chữ ngớ ngẩn
Trong bản CV, bạn không cần thiết phải thể hiện trình độ tin học văn phòng của mình bằng quá nhiều loại font chữ, header, footer hay spacing… Điều này sẽ gây khó khăn cho người đọc, thậm chí khiến cho họ khó chịu và ném CV của bạn vào thùng rác ngay lập tức.
5. Không đề cập đến những kỹ năng/kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu
Đây là một điều bắt buộc trong bản CV. Nếu như bạn không thể đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của vị trí tuyển dụng, tất nhiên CV của bạn sẽ bị loại ngay tức khắc. Nhưng nếu như bạn có đủ kỹ năng/kinh nghiệm nhưng bạn lại không ghi chúng một cách rõ ràng, bạn cũng sẽ bị loại. Nhà tuyển dụng không thể dành hàng tiếng đồng hồ quý giá của họ để đi điều tra xem bạn có đủ kinh nghiệm hay không.
6. Mô tả về tiền lương
Dù là tiền lương ở vị trí cũ hay mức lương yêu cầu cho vị trí mới, bạn cũng đều không nên mô tả trong bản CV của mình. Những thông tin này hoàn toàn không cần thiết và trong một số trường hợp, chúng có thể truyền tải sai thông điệp. Tiền lương chỉ nên được đề cập đến ở cuối buổi phỏng vấn.
7. Kể rõ những thứ bạn không biết
CV là bước khởi đầu của quá trình bạn ứng tuyển vào một vị trí công việc, vì thế đừng lôi tất cả những điểm yếu của bạn vào. Hãy cố gắng tránh những câu hỏi như “Điểm yếu của bạn là gì?” hoặc trả lời chúng một cách chung chung nhất có thể. Chẳng hạn, nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh thì đừng nói rằng “Tôi chưa biết phải bắt chuyện với khách hàng như thế nào”.
8. Trình bày không hợp lí
Cách trình bày là yếu tố quan trọng hơn bất kì yếu tố nào khác trong bản lý lịch của bạn. Do vậy, cách trình bày tốt nhất là giúp người xem dễ dàng tìm ra và xác định được những điểm chính mà bạn mong muốn được chú ý tới.
9. Kể lể những thành tích không liên quan
Bạn đừng kể ra hết tất cả những thành tích hay kinh nghiệm nếu chúng không có giá trị gì với vị trí bạn đang ứng tuyển. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng liệt kê ra những bằng cấp hay chứng chỉ bạn đạt đươc cách đây khoảng… 15 năm.
Theo Trí Thức Trẻ