5 kỹ năng nhiều nhân viên thiếu sót nhất

Bạn sẽ luôn gặp phải những nhà tuyển dụng yêu cầu Z nhưng chỉ thể hiện là họ cần A,B,C. Những kỹ năng nào thực sự nhà tuyển dụng đang cần?


Ảnh minh họa

Trong bất kì tình huống tuyển dụng nào, việc đưa ra các yêu cầu luôn dễ hơn là việc diễn giải chúng. Bạn sẽ luôn gặp phải những nhà tuyển dụng yêu cầu Z nhưng chỉ thể hiện là họ cần A,B,C. Trên trang web dịch vụ hỏi đáp Quora, có một câu hỏi thế này: “Dưới góc nhìn của CEO, những kỹ năng nào nhiều nhân viên thiếu sót nhất?”. VietnamWorks HR Insider xin được tổng hợp và lược dịch một số câu trả lời thú vị nhất:
 
1. Làm những việc bạn nói bạn sẽ làm

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự rất nhiều dân văn phòng không thể thực hiện lời hứa công việc của mình. Để làm được điều này, cần phải xác lập kì vọng rõ ràng. Nếu bạn đã hứa với sếp thứ hai sẽ làm xong, thì hãy làm xong trong ngày đó. Còn nếu đã thấy không đủ thời gian để hoàn thành vào thứ hai, thì hãy hứa vào một ngày khác phù hợp hơn với khối lượng công việc của bạn. Hãy trở thành một người đáng tin cậy, bởi vì trong văn phòng rất ít người mà sếp có thể tin tưởng – đó là sự thật. Điều này không có nghĩa bạn sẽ im lặng với tất cả công việc được giao: bạn phải cho sếp biết bạn có làm được trong thời gian sếp mong muốn hay không.
 
2. Tự quản lý bản thân

Nếu sếp bạn chẳng bao giờ phải nhắc nhở bạn về công việc, họ sẽ có thời gian đầu tư vào các công việc chiến lược quan trọng. Và chính bạn cũng sẽ tránh được những cuộc đối thoại khó khăn với sếp, chẳng hạn như: “Công việc anh giao cho em đến hạn rồi sao chưa thấy em báo cáo gì cả?” Chỉ cần bạn tự quản lý tốt bản thân, bạn sẽ trở thành “nhân viên sáng giá” trong mắt của sếp cũng như của tất cả đồng nghiệp. Tự quản lý bản thân cũng bao gồm các kĩ năng khác như việc tạo và theo sát một lịch trình làm việc cá nhân chặt chẽ và quản lý email tốt. Nếu bạn có một lịch trình làm việc tốt, sếp chỉ cần nhìn sơ qua là có thể biết bạn đang làm việc ít hay đang bị quá tải. Nếu bạn quản lý email tốt, trong vòng 30 giây bạn phải tìm được email mà bạn muốn tìm, chứ không phải mất thời gian mò mẫm.
 
3. Giải quyết các vấn đề không có giải pháp rõ ràng

Viết nội dung quảng cáo nào cho hay hoặc cần phải gửi những thông điệp bán hàng nào đến khách hàng này – những vấn đề như vậy chỉ là số ít trong số những vấn đề phải giải quyết trong văn phòng ngày nay. Để thăng tiến lên những cấp bậc cao, bạn cần phải giải những bài toán mang tính chất hơi mơ hồ và không có cách giải rõ ràng, trắng – đen tách biệt. Ví dụ: làm thế nào để tuyển dụng người tốt hơn, làm thế nào để website này có thể thu hút hơn, hay làm thế nào để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Để giải quyết các vấn đề này, bạn cần làm 3 bước:

    Vẽ ra lộ trình những việc cần làm để giải quyết vấn đề, và ưu tiên làm những việc nào trước
    Viết ra những mục tiêu rõ ràng trong kế hoạch, và đặt ra thời hạn cho mỗi mục tiêu hợp lý
    Vận động sự hỗ trợ của các thành viên khác trong phòng ban để đạt được mục tiêu

4. Kỹ năng bán hàng

Có thể bạn đang tự hỏi, tôi làm kế toán thì cần gì phải có kỹ năng bán hàng? Kỹ năng bán hàng ở đây nên được hiểu với nghĩa rộng hơn là kĩ năng trình bày, thuyết phục người đối diện giống như một tay bán hàng lành nghề. Trong một công ty mấy tram, hoặc có khi đến mấy nghìn người, hàng ngày có rất nhiều quyết định được đưa ra, nhiều mong muốn được thổ lộ từ các nhân viên. Tuy nhiên, không phải tất cả những đều đó đều được chấp thuận hay thực hiện. Bạn phải có khả năng thuyết phục người khác, cho dù đó là đồng nghiệp, sếp hay ban giám đốc về những quyết định, mong muốn của bản thân. Bạn nghĩ rằng phòng kế toán cần thay đổi quy trình để làm việc hiệu quả hơn? Hay phòng kinh doanh cần có nhiều ngân sách hơn cho đội ngũ bán hàng? Hoặc phòng marketing cần nhiều nhân sự hơn? Tất cả những điều này đều nhằm mục đích giúp công ty phát triển và làm việc tốt hơn, nhưng nếu bạn không có khả năng thuyết phục thì cấp trên sẽ không bao giờ để bạn thực hiện những điều đó.
 
5. Sự chuyên nghiệp kiểu Mỹ

Sự chuyên nghiệp ngày nay đang bị đánh giá thấp bởi người ta quá quan tâm đến cá nhân mình trong công việc. Bạn không thoải mái làm việc này? Bạn cảm thấy khó làm việc kia? Bạn thấy sếp khiến bạn áp lực? Mọi chuyện đều có cách giải quyết, nhưng hãy nhớ trong tập thể, bạn không phải là trung tâm của vũ trụ. Một tác giả khi trả lời câu hỏi về kĩ năng quan trọng, đã trình bày rất rõ ràng: sự chuyên nghiệp kiểu Mỹ, bao gồm 3 yếu tố chính mà nhiều nhân viên hay bỏ quên:

Shut up (nguyên văn) – dịch sát nghĩa là “im lặng đi”: hầu hết các công việc không cần phải có những cuộc đối thoại dài dòng. Nói quá nhiều hoặc liên tục than phiền không phải là cách giải quyết vấn đề

Get over themselves – đừng đặt bản thân lên cao quá: trong công việc, các ý kiến cá nhân không phải lúc nào cũng được xem là quan trọng, và các tình huống của mỗi người (cảm xúc, vấn đề riêng tư) không liên quan gì đến công việc.
Be productive – hãy đạt năng suất làm việc tốt: có mặt ở văn phòng không có nghĩa là bạn đang làm việc, cũng như sự tự tin chưa chắc đã là năng suất làm việc tốt.

Quan điểm này có phần khắt khe những cũng đáng để suy nghĩ trong thời đại hiện nay, khi nhà quản lý phải quan tâm quá nhiều đến “cảm xúc” của nhân viên để rồi kết quả năng suất làm việc vẫn không cao như mong đợi. 

Trên đây là 5 kỹ năng gợi ý để bạn phát triển và gây ấn tượng với mọi nhà tuyển dụng và quản lý. Hầu hết những điều trên đều khá dễ thực hiện, nhưng hầu hết mọi người đều đang KHÔNG thực hiện, do thiếu sự nghiêm khắc với bản thân hoặc do thiếu động lực làm việc. Hãy vượt lên những thói quen chưa tốt để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn.

Theo Hrinsider