Sau khi thông tin về một số công ty sẵn sàng trả lương 2.000 USD/tháng cho sinh viên mới ra trường được đăng tải, chính những người trong cuộc cũng bổ sung thêm điều kiện để có được mức lương này mà hầu hết là phải làm việc ở nước ngoài và có trình độ cao.
Ông Lê Quang Tiến – nguyên Phó chủ tịch HĐQT FPT phân tích, ở những nước giàu như Singapore, Mỹ, Đức… 2.000 USD là mức lương tối thiểu cho người làm thuê, ở bất cứ ngành nghề gì. Còn ở Việt Nam, thông thường, một nhân viên giỏi, có bằng đại học sẽ đạt mức lương này sau 5 – 10 năm làm việc ở một công ty lớn.
Trong khi đó, thông tin về lương 2.000 USD/tháng của một công ty công nghệ thông tin nhưng làm việc ở Nhật thì bị “ném đá” với bình luận: “Thu nhập này còn thấp hơn tiền công đi rửa bát” cũng ở xứ sở mặt trời mọc. Bởi theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Nhật là 32.477 USD/năm. Nếu như làm việc tại Mỹ ở thu nhập bình quân đầu người là 55.836 USD/người/năm (số liệu WB năm 2015) thì lương 2.000 USD/tháng là mức thấp.
Trên thực tế, tại Nhật Bản, những công việc làm thêm như rửa bát, quét dọn mà sinh viên Việt Nam được làm kiếm được 850 yên/giờ, khoảng 150.000 VNĐ (7,5 USD), 1 tuần được làm tối đa 28 tiếng. Như vậy, nếu tính tối đa, trong 1 tháng công việc này chỉ mang về số tiền khoảng 840 USD/tháng.
Mặt khác, đối với nhiều công ty ở Việt Nam khi tuyển dụng lao động là kỹ sư cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng sang làm việc cho các công ty Nhật thì mức lương cam kết thường trong khoảng từ 1.800 – 3.000 USD/tháng.
Thế nhưng việc so sánh tiền công của nhân viên rửa bát thuê và lương 2.000 USD/tháng của một sinh viên mới ra trường sẽ rất khập khiễng bởi việc trả thu nhập sẽ căn cứ vào cung cầu cũng như kỹ năng làm việc của người lao động.
“Một cô giữ trẻ có thể nhận thu nhập cao hơn nhiều so với một sinh viên ngành công nghệ thông tin nếu cô ấy có kỹ năng giữ trẻ cực tốt. Nhưng cũng phải thấy rằng một sinh viên ngành công nghệ thông tin nếu phát triển kỹ năng lên trình độ cao, cộng với việc trở thành quản lý thì thu nhập sẽ hoàn toàn khác. Do vậy, chỉ nhìn vào mức lương 2.000 USD/tháng rồi phán các chuyện xung quanh không kèm theo điều kiện cụ thể sẽ không ổn”, lãnh đạo một công ty lớn đang trả lương nhân viên vào dạng cao nhất Việt Nam hiện nay chia sẻ.
Trong khi đó, nguồn tin từ Viettel cho biết mức 2.000 USD/tháng trả cho sinh viên mới ra trường là mức tổng còn lương hàng tháng sẽ thấp hơn con số đó. Những sinh viên được trả phải đi nước ngoài (thuộc nhóm Nhân viên 10 năm) nhưng phần lớn là các nước đang phát triển nên thu nhập như vậy ở mức tốt.
Nếu đi các thị trường châu Phi, mức 2.000 USD/tháng sẽ không thấp nếu ở Burundi (276 USD/người/năm), Mozambique (525USD/người/năm), Tanzania (864 USD/người/năm) – số liệu của WB 2015. Ở Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.111 USD/người/năm.
Tuy nhiên, đại diện Viettel cũng lưu ý: “Chỉ có một số ít sinh viên mới ra trường, nằm trong nhóm đặc biệt mới được chọn cho đãi ngộ này kèm điều kiện cam kết thời gian làm việc nữa chứ không phải là mọi sinh viên”.
Theo Trí Thức Trẻ