Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ là những ứng viên ít hấp dẫn hơn so với nam giới vì họ bị gán mác “ít gắn bó”.
Từ lâu người ta vẫn nghĩ rằng những ứng viên có nền tảng xã hội thuận lợi hơn sẽ được ưu tiên hơn khi tìm việc, nhưng chúng ta đã làm rất nhiều việc để khuyến khích mọi người vươn lên khỏi hoàn cảnh của mình.
Nhưng một nghiên cứu mới lại cho thấy bất chấp những nỗ lực đó, những người xuất thân trong môi trường thuận lợi hơn vẫn chiếm ưu thế hơn khi tìm việc – nhưng điều này chỉ đúng với nam giới.
Tạp chí Harvard Business Review (HBR) đã thực hiện một nghiên cứu về tác động của các dấu hiệu giai tầng xã hội trong quá trình tuyển dụng ở các hãng luật hàng đầu Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy “những công ty hàng đầu phân biệt đối xử mạnh mẽ dựa vào tầng lớp xã hội, và họ thường ưa chuộng ứng viên có nền tảng xã hội cao hơn”.
Sử dụng một kỹ thuật gọi là “phương pháp thẩm định hồ sơ”, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm: họ tạo ra các CV giả từ các ứng viên ảo ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh mùa hè, và gửi đến 316 văn phòng của 147 hãng luật hàng đầu ở 14 thành phố trên khắp nước Mỹ.
Các CV đều chứa thông tin khác nhau, nhưng mọi ứng viên đều nằm trong top 1% đứng đầu lớp và tốt nghiệp những trường luật hạng khá. Mặc dù giới tính không được ghi ra, nhưng thông tin này rõ ràng được thể hiện trong tên của các ứng viên ảo.
Thông tin cực kỳ nhỏ nhặt này trong hồ sơ sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội tìm việc của mình – Ảnh 1.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra ấn tượng về một tầng lớp xã hội đặc biệt với nhiều giải thưởng và các hoạt động ngoại khóa – chẳng hạn, những ứng viên từ các gia đình nghèo khó đều có thành tích về thể thao và được nhận học bổng, và CV của những ứng viên xuất thân từ xã hội thượng lưu thường chứa các thông tin về sở thích như polo (môn thể thao cưỡi ngựa đánh bóng) và nhạc cổ điển.
Quan trọng nhất là, mọi ứng viên ảo đều có thành tích về giáo dục và trình độ liên quan đến công việc như nhau.
Nhưng bất chấp điều này, các nhà tuyển dụng không những thể hiện sự ưa chuộng rõ rệt cho những ứng viên thuộc giai cấp “thượng lưu”, mà còn đặc biệt rõ ở những ứng viên là nam giới thuộc giai cấp này, và họ được mời đến phỏng vấn nhiều hơn gấp 4 lần so với các ứng viên khác.
Đáng ngạc nhiên nhất là ưu thế của các ứng viên nam giới “thượng lưu” lớn hơn hẳn so với các ứng viên nữ cùng tầng lớp (những người trong CV có thành tích tương tự, chỉ khác tên mà thôi).
Sau đó HBR còn thực hiện một thử nghiệm nữa để tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng này. Họ yêu cầu 200 luật sư giải thích tại sao họ lại ưa chuộng những CV nêu trên, và gợi ý rằng ứng viên ở giai tầng xã hội cao hơn dù là giới tính gì cũng đều mang lại lợi ích như nhau cho hãng luật của họ.
Lý do mà họ đưa ra là: “Những ứng viên này được coi là thích hợp hơn với văn hóa và khách hàng của các hãng luật lớn”.
Thông tin cực kỳ nhỏ nhặt này trong hồ sơ sẽ khiến bạn đánh mất cơ hội tìm việc của mình – Ảnh 2.
Ngoài ra, một số luật sư còn khuyến khích những ứng viên thuộc tầng lớp thấp hơn theo đuổi sự nghiệp ở những khu vực ít “màu mỡ” hơn trong ngành luật, như làm việc trong các cơ quan của nhà nước chẳng hạn.
Các luật sư còn giải thích rằng họ ít mặn mà với việc phỏng vấn các ứng viên nữ thuộc giới “thượng lưu” hơn so với các ứng viên nam cùng đẳng cấp xã hội vì họ được cho là “cành cao” và vì thế không có khả năng gắn bó lâu dài.
“Gia đình” được cho là lý do khiến những ứng viên nữ như vậy bỏ việc, và giúp các ứng viên nữ ở giai tầng xã hội thấp trở nên hấp dẫn hơn vì họ không đặt nặng chuyện lập gia đình.
Kết quả của nghiên cứu có thể khiến những người không có xuất thân “cao quý” cảm thấy buồn rầu, nhưng vẫn chưa rõ sự phân biệt đối xử này có xuất hiện ở mọi ngành không hay chỉ ngành luật mà thôi, và liệu nó chỉ xảy ra ở nước Mỹ hay mọi nơi trên thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ