Trong khi SV Ngoại Thương vẫn ao ước thu nhập 1.000 USD, thì người Bách Khoa đã giải xong bài toán lương 60 tr/tháng

Đáng chú ý, 91% sinh viên Bách Khoa sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, 4% quyết định học lên các bằng cấp cao hơn cử nhân, và chỉ 5% là chưa có việc làm.


Ảnh minh họa

Lâu nay, chủ đề “sinh viên Ngoại Thương ra trường lương 1.000 USD” vẫn luôn được bàn ra, tán vào không ngớt trên nhiều trang mạng xã hội. Người thì cho rằng mức lương này không quá khó để đạt được nếu là sinh viên Ngoại Thương, người thì nghi ngại 1.000 USD vẫn là mức thu nhập quá xa vời.

Trong khi tất cả còn đang tranh luận về mức lương 1.000 USD này, thì tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, sinh viên ở đây đã giải xong bài toán thu nhập 60 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, đây là kết quả khảo sát được đăng tải chính thức trên trang http://www.hust.edu.vn của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Trong đó, mức lương trung bình của sinh viên Bách Khoa HN sau tốt nghiệp 6 tháng là 8,2 triệu đồng/tháng, phổ lương trải rộng từ 3 – 60 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, 91% sinh viên Bách Khoa sau khi ra trường đều có việc làm, 4% quyết định học lên các bằng cấp cao hơn, và chỉ 5% là chưa có việc làm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên làm việc trái ngành khi theo học Bách Khoa HN cũng chỉ chiếm 9%, còn lại hầu hết sinh viên đều ra trường và đi làm đúng ngành học, chiếm chủ yếu là vị trí kỹ sư thiết kế, phát triển – 47%, vị trí quản lý sản xuất, sản phẩm – 11%…

Liên quan tới vị trí công tác sau khi ra trường, phần đông sinh viên Bách Khoa HN đều làm cho các doanh nghiệp tư nhân – chiếm tới 42%, và đặc biệt là có tới 28% sinh viên đầu quân cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Điều này phần nào giải thích tại sao, người Bách Khoa sau khi ra trường lại có mức lương lên tới 60 triệu đồng/tháng.

Sau 61 năm thành lập (1956 – 2017), ĐH Bách Khoa Hà Nội đã 2 lần vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Từ 4 liên khoa trong những đầu thành lập, đến nay trường đã có có 3 Khoa và 17 Viện đào tạo, 4 Trung tâm và 8 Viện nghiên cứu, 11 Phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, 200 Phòng thí nghiệm và xưởng thực hành.

Qua đó, số chuyên ngành đào tạo kỹ thuật tại ĐH Bách khoa Hà Nội được mở rộng tới 122 chương trình, bao gồm nhiều bậc như kỹ sư, cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, bao gồm cả các ngành kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm kỹ thuật.

Hằng năm, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên hệ chính quy, 1.500 học viên cao học và hơn 100 nghiên cứu sinh. Qua 61 năm, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã cho ra lò hơn 180.000 kỹ sư, cử nhân, 13.000 Thạc sĩ và gần 800 Tiến sĩ.

Theo Trí Thức Trẻ