Ali Fedotowsky đã rời khỏi Facebook khi cô lựa chọn tham gia chương trình Bachelorette của đài ABC. Robert Cezar Matei bỏ lỡ cơ hội tham gia vào đội ngũ nhân viên Facebook, Square và Instagram ngay từ khi mới bắt đầu.
Trong khi một số người từ chối các công ty tỷ đô vẫn có thể đạt được thành công – chẳng hạn như Kevin Systrom của Instagram là một ví dụ điển hình, thì đa số những người còn lại đang phải sống trong hối tiếc.
Dưới đây là danh sách 8 kỹ thuật viên tại thung lũng Silicon đã bỏ lỡ cơ hội kiếm được hàng tỷ USD tại các công ty như Facebook hay Instagram.
Amanda Wixted: Từ chối Instagram
Tháng 6 năm 2010, Mike và Kevin bắt đầu xây dựng ứng dụng trang web trên điện thoại của họ với tên gọi Burbn. Wixted khi đó là kỹ sư trưởng nhóm mobile tại Zynga. Mike đã gọi cho cô đề nghị cô trở thành nhân viên đầu tiên của họ.
“Chúng tôi đã gặp nhau. Họ trình bày ý tưởng về việc đưa Burbn dẫn đầu: một ứng dụng chia sẻ ảnh trên mobile. Đó là một nhóm rất tuyệt vời, nhưng tôi lại không cảm thấy hứng thú với ứng dụng chia sẻ ảnh. Tôi cảm thấy mình cần phải làm những thứ phức tạp hơn”, Wixted chia sẻ trên Quora.
Tuy nhiên, hiện nay Wixted vẫn là một người thành công. Cô gia nhập Zynga như một trong những nhân viên đầu tiên và vẫn làm việc cho đến khi công ty này IPO. Hiện nay, cô là nhà sáng lập của Meteor Grove Software kiêm CTO tại ứng dụng học tập trực tuyến Homer. Song có lẽ nếu đi theo tiếng gọi của Instagram vào năm 2010, biết đâu Wixted đã kiếm được thêm hàng chục triệu đô la.
Ali Fedotowsky: Nghỉ việc Facebook để trở thành Bachelorette của đài ABC
Năm 2009, Ali Fedotowsky phải đưa ra một quyết định tiến thoái lưỡng nan: Cô tham gia chương trình hẹn hò “The Bachelor” với phi công Jake Palveka. Trong số tạm biệt của chương trình, cô đã chia tay Palveka để quay trở lại với cuộc sống hàng ngày và công việc tại Facebook. Fedotowsky đã sử dụng hết số ngày nghỉ để quay chương trình và không muốn bỏ lỡ hàng triệu USD.
Tuy nhiên khi đài ABC đề nghị cô trở thành Bachelorette (người đứng đầu), Fedotowsky đã quyết định từ bỏ vị trí bán hàng của mình tại Facebook. Hai năm sau ngày cô rời khỏi, Facebook đã có một đợt IPO khổng lồ biến nhiều nhân viên trở thành triệu phú.
Trong khi đó, mối quan hệ của Fedotowsky với thí sinh Roberto Martinez cũng kết thúc sau khi chương trình phát sóng và Facebook không thuê lại cô nữa. Fedotowsky trở thành người dẫn chương trình “1st Look” trên đài NBC. Hiện tại, Fedotowsky kết hôn với người dẫn chương trình truyền hình Kevin Manno và viết blog cá nhân Ali Luvs.
Julian Targowski: Từ chối Instagram
Chia sẻ về lời đề nghị của Instagram, Targowski cho biết anh thậm chí còn không thấy hứng thú bởi anh trung thành với đội của riêng mình.
“Tôi không tiếc bất cứ điều gì cả. Bạn có thể khám phá ra rất nhiều thứ về bản thân chẳng hạn như mức độ hài lòng với công việc hiện tại, bạn có đang làm việc chăm chỉ, bạn muốn trở thành người như thế nào trong những năm tiếp theo…”, Targowski viết trên Quora.
Sau đó, Targowski tiếp tục làm việc cho một startup mang tên DailyBooth – sau này bị mua lại bởi Airbnb vào năm 2012.
Sahil Lavingia: Từ chối Pinterest
Nhà sáng lập Gumroad Sahil Lavingia
Điều đáng tiếc là Lavingia chỉ còn thiếu 1 tháng để trở thành nhân viên có thâm niên 1 năm tại Pinterest. Việc rời đi quá sớm khiến anh không nhận được một cổ phiếu nào. Hy vọng trong tương lai, Gumroad sẽ trở thành một startup thành công.
Robert Cezar Matei: Từ chối Instagram
Robert Cezar Matei đã bỏ lỡ vài cơ hội vàng. Đầu tiên, anh từ chối cơ hội làm việc cho Facebook và quyết định ở lại Stanford. Sau đó, anh tiếp tục từ chối Square. Tuy nhiên, quyết định “tốn kém” nhất của Robert có lẽ là đã từ chối Instagram khi anh nhận được đề nghị trở thành nhân viên thứ 2 của “gã khổng lồ công nghệ” này. Thay vào đó, anh “đầu quân” vào Quora.
“Nếu bạn làm việc tại thung lũng Silicon vào bất kỳ khoảng thời gian nào, bạn sẽ đều bỏ lỡ một vài cơ hội nào đó. Trong cuộc sống chúng ta có nhiều lựa chọn khác nhau và tôi không thể khẳng định lựa chọn nào là tốt nhất hoặc tồi nhất”, Matei chia sẻ.
Joe Green: Bạn cùng phòng ký túc xá của Mark Zuckerberg tại Harvard
Khi còn học tại Harvard, Joe Green là bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg. Anh cùng với Zuckerberg tạo ra Face Mash – trang web khiến cả hai gặp rắc rối với Ban quản lý Đại học Harvard. Bố của Green khi đó là một giáo sư tại Đại học UCLA đã cảnh cáo con trai mình không được “dính dáng” đến Zuckerberg nữa. Vì thế, khi Mark Zuckerberg đề nghị Green phụ trách hoạt động kinh doanh của Facebook, anh đã từ chối.
Nếu ngày đó nhận lời mời của Zuckerberg, Green có thể sở hữu 3-4% cổ phiếu Facebook, tương ứng khối tài sản 3 tỷ USD. “Mỗi khoảnh khắc trong đời đều có những ý nghĩa nhất định. Nhìn chung, tôi hài lòng với những gì mình có thể làm”, Joe Green chia sẻ về lựa chọn của mình.
Joe Jackson: Từ chối Facebook
Khi Facebook mới thành lập, Mark Zuckerberg đã thuê một căn nhà ở Palo Alto vào mùa hè và anh mời người bạn cùng phòng tại Đại học Harvard Joe Jackson đến làm việc cùng. Tuy nhiên, Jackson đã từ chối; thay vào đó, anh đến New York để thực tập tại J.P. Morgan Chase.
“Tôi đã bỏ lỡ con thuyền Facebook. Tôi đã không nghĩ rằng đó là cơ hồi để trở nên giàu có và nổi tiếng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ phải đến Palo Alto và sống trong một ngôi nhà với rất nhiều trẻ con và lập trình cho một startup chưa biết sẽ đi về đâu”, Jackson chia sẻ về cơ hội đã bỏ lỡ của mình.
Joshua Inkenbrandt: Từ chối Instagram
Cũng giống như Wixted, Inkenbrandt khá thành công dù đã bỏ lỡ cơ hội tại Instagram. Thay vào đó, anh lựa chọn Pinterest vì cảm thấy đó mới là nơi phù hợp với phong cách của mình.
“Tôi chọn làm việc tại Pinterest thay vì Instagram. Đó không phải là một quyết định dễ dàng bởi tôi thích Instagram và những người đã sáng lập nên nó. Tôi chọn Pinterest vì chính bản thân tôi. Vì thế, tôi sẽ không hối tiếc với quyết định này”, Inkenbrandt chia sẻ trên Quora.
Những người đã từ chối Facebook nhưng vẫn kiếm được hàng triệu USD theo nhiều cách khác nhau.
Kevin Systrom từ chối Facebook và sau đó bán công ty của anh – Instagram cho Zuckerberg với giá 1 tỷ USD.
Mike Abbott trở thành giám đốc kỹ thuật của Twitter.
Steve Chen đã làm việc cho Facebook một vài tháng sau đó thành lập YouTube, sau đó anh bán lại cho Google với giá 1,6 tỷ USD.
Theo trí thức trẻ