Kiếm sống bằng nghề xếp hàng thuê, tại sao không?

“Tôi thường nói rằng mình đã ngẫu nhiên trở thành 1 doanh nhân”, Samuel (41 tuổi) nói. Hiện nay anh đang là CEO của Same Ole Line Dudes, công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hàng thuê với vài chục nhân viên.


Ảnh minh họa

Thất nghiệp và rơi vào trạng thái quá chán nản, thất vọng, Robert Samuel tìm tới Craigslist – website rao vặt mà qua đó bạn có thể mua hoặc bán bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào. Đó là năm 2012, đúng vào ngày Apple ra mắt iPhone phiên bản mới. Trên Craigslist, Samuel đăng tin sẵn sàng xếp hàng thuê để giữ chỗ mua iPhone với giá 100 USD tiền công. Cơn sốt Apple rất lớn, và Samuel nhanh chóng tìm được khách hàng. Anh chạy như bay tới cửa hàng của Apple ở Fifth Avenue. Cuối cùng thì người thuê Samuel đã mua được chiếc điện thoại iPhone qua kênh online nhưng vẫn trả tiền cho anh.

“Tôi đang định đi về thì 1 người cũng đang xếp hàng khuyên tôi nên ở lại và bán chỗ cho người khác”, Samuel nhớ lại. Anh nhận ra mình vừa tình cờ phát hiện ra 1 cách kiếm tiền khá dễ dàng và ngay lập tức gọi bạn bè đến xếp hàng cùng. Cuối ngày hôm đó, nhóm của anh bán được 4 chỗ cùng với 5 thùng sữa cho những người hâm mộ Apple đang kiệt sức vì đứng xếp hàng quá lâu. Số tiền thu được đủ để mua 1 chiếc iPhone 5.

Sinh ra ở Brooklyn, Samuel học trường công và bỏ dở đại học. Anh từng trải qua nhiều nghề như nhân viên chăm sóc khách hàng, bán lẻ và cả bảo vệ – những công việc giúp tích lũy kinh nghiệm cho việc kinh doanh ngày nay.

Ole Line Dudes thu 25 USD cho giờ xếp hàng đầu tiên và 10 USD cho mỗi giờ tiếp theo. Thời gian chờ tối thiểu là 2 giờ và nếu thời tiết quá khắc nghiệt giá cho mỗi giờ sẽ tăng thêm 5 USD. Mỗi tháng công ty nhận được khoảng 60 đến 100 đơn đặt hàng.

Ban đầu, Samuel không chắc rằng công việc kinh doanh này sẽ bền vững. Cho đến mùa hè năm 2013, 1 năm sau công việc đầu tiên, anh mới tích cực sử dụng tài khoản Line Dudes trên Twitter dù đã lập ra nó nhiều tháng trước đó. “Ngay cả bản thân tôi cũng không suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đó”.

Công ty của Samuel trở nên nổi tiếng hơn khi Dominique Ansel, đầu bếp nổi tiếng thế giới, bắt đầu bán món bánh Cronut (loại bánh kết hợp giữa bánh sừng bò và doughnut) tại quầy bánh của ông ở trung tâm thương mại Soho với số lượng rất hạn chế. Mỗi ngày, Samuel đều lên Craigslist viết bài quảng cáo dịch vụ xếp hàng thuê. Có quá nhiều khách, anh tuyển thêm bạn bè làm việc cùng mình bởi cửa hàng giới hạn số lượng bánh mà 1 người có thể mua. Mức phí lên tới 60 USD cho việc mua và giao 2 chiếc Cronuts, trong khi mỗi chiếc bánh chỉ có giá 5 USD.

Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng bắt đầu gọi cho Samuel để thuê xếp hàng mua nhiều thứ khác. Anh xếp hàng mua vé xem hòa nhạc, nghe diễn thuyết hay bất cứ thứ gì phải xếp hàng để mua. Đầu năm 2014, Samuel cho ra mắt website nhưng vẫn chưa cảm thấy đủ chắc chắn để bỏ công việc hiện tại. Anh mới chỉ dốc toàn bộ thời gian và tâm trí cho Line Dudes từ tháng 1 vừa qua.

“Hamilton” là món hời tiếp theo. Vở nhạc kịch về “cha đẻ” của nước Mỹ đã cháy vé, và giá vé chợ đen có thể lên tới vài chục nghìn USD. Người ta phải xếp hàng rất lâu trong thời tiết mùa đông lạnh giá để có thể mua vé.

Đó chính là lúc Samuel đặt những chiếc lều có in logo của Line Dudes để quảng cáo. Người xếp hàng có thể sử dụng chúng khi phải mất tới 8 tiếng xếp hàng chờ đợi qua đêm, chịu đựng nhiệt độ dưới 0 độ C.

Đội ngũ của Samuel mang theo pin dự phòng, ghế ngồi và cả túi ngủ. Điện thoại của họ thường có nhiều phim đã tải sẵn và danh sách dài các bài hát. Ban đầu đó là những người bạn sẽ thay Samuel làm việc khi anh bận, bây giờ thì có cả những người hàng xóm của Samuel, sinh viên đại học, người nghỉ hưu, cựu chiến binh hoặc bất cứ ai sẵn sàng làm công việc xếp hàng thuê. Người già nhất trong nhóm năm nay đã 71 tuổi.

Samuel vẫn tự duy trì website, phân bổ công việc, quản lý tài chính và làm công việc truyền thông. Anh từ chối nhận vốn đầu tư từ bên ngoài dù đã nhận được khá nhiều lời mời.

Theo trí thức trẻ