Vì sao phụ nữ lớn tuổi đang là cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản?

Vào năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã đệ trình lên Đại hội đồng Liên hiệp quốc một bản kế hoạch nhằm củng cố lại nền kinh tế của Nhật Bản.


Ảnh minh họa

“Có một lý thuyết mang tên ‘Womenomics’ (nền kinh tế phụ nữ), trong đó khẳng định sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội càng được chú trọng, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao,” Abe cho biết. 

“Tạo ra một môi trường để phụ nữ thấy thoải mái làm việc và tăng cường các cơ hội cho họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội không còn là vấn đề đáng cân nhắc hay không nữa. Thay vào đó là câu hỏi có nên coi đây là vấn đề cấp bách nhất hay không.”

Và đây không phải là những lời sáo rỗng. Kể từ khi tuyên bố của Abe được đưa ra, chính phủ Nhật Bản đã tạo cơ hội để phụ nữ tham gia đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau.

Nhà kinh tế học Noah Smith chỉ ra rằng kể từ khi nắm quyền, chính phủ đã mở rộng chương trình chăm sóc người già trẻ em do nhà nước tài trợ, trao các dự án của chính phủ cho các công ty có tỷ lệ nhân viên nữ cao, và giới hạn số lượng nhân viên được phép làm việc ngoài giờ nhằm tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho các bà mẹ đang đi làm. 

Nước này cũng có nhiều động thái ủng hộ giờ làm việc linh hoạt. Với tỉ lệ việc làm không có người đảm nhận cao nhất trong 43 năm qua, cùng với dự đoán dân số ở độ tuổi lao động sẽ giảm gần 4% vào năm 2022, những phụ nữ này chính là yếu tố cực kỳ cần thiết để giúp nền kinh tế tiếp tục tồn tại.

Về khía cạnh đưa phụ nữ vào nơi làm việc, Womenomics hóa ra lại là một thành công lớn. Trong gần 4 năm rưỡi ông Abe làm Thủ tướng, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15-64 tham gia lực lượng lao động đã tăng hơn 1% mỗi năm. Trong 10 năm trước khi ông Abe thắng cử, mức tăng trung bình là dưới 0,5%/năm. Với tốc độ tăng này, sự tham gia thị trường lao động của phụ nữ Nhật Bản còn vượt qua cả Mỹ.

Mặc dù phụ nữ ở mọi nhóm tuổi đều làm việc nhiều hơn ở Nhật Bản, nhưng có một nhóm tuổi tỏ ra nổi bật hơn hẳn. Evan Soltas, một nhà báo hiện đang học tập để trở thành chuyên gia kinh tế ở Đại học Oxford, nhận thấy tỉ lệ phụ nữ 55-64 tuổi đi làm đã tăng chóng mặt kể từ khi Abe nhậm chức. Vào tháng 1/2013, chỉ 55% phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi này đang làm việc hoặc tìm việc. Đến tháng 5/2017, con số này đã tăng lên đến 63,6%.

“Khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên, lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu này phải đến từ một nơi nào đó”, Soltas giải thích.

Vào tháng 1/2013, chỉ có 59% phụ nữ trong độ tuổi 55-64 đi làm so với 74% ở phụ nữ nhóm tuổi 25-54, và gần 85% ở nam giới nhóm tuổi 15-64. Sự kết hợp giữa chính sách ưu tiên phụ nữ và xuất phát điểm thấp với phụ nữ cao tuổi là công thức hoàn hảo cho sự tăng trưởng này.

Biểu đồ dưới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng thị trường lao động nữ giới ở hai nhóm tuổi:

Do tỉ lệ sinh giảm, dân số đang già đi và chính sách nhập cư chặt chẽ, số lượng người Nhật Bản trong độ tuổi lao động đang giảm đi nhanh chóng. Với hoàn cảnh đó, sự bổ sung từ các phụ nữ cao tuổi là yếu tố quan trọng giúp cho nền kinh tế Nhật Bản tồn tại và phát triển – GDP trên đầu người của Nhật Bản tăng 1,1% vào năm 2016.

Womenomics của Abe có vẻ đang phát huy tác dụng, nhưng có lẽ nên đổi lại tên là Older Womenomics (nền kinh tế của những phụ nữ cao tuổi).

Theo Nhịp sống kinh tế