Những doanh nhân “nổi như cồn” trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017

Nếu như ông chủ của VPBank lọt top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán thì ông chủ mới của Sacombank lại được nhắc đến nhiều với những thứ “rất Dương Công Minh”. Vị chủ tịch sinh năm 1968 của VIB cùng với vai trò mới ở Liên Việt của ông Nguyễn Đức Hưởng cũng là những cái tên xuất hiện dày đặc thời gian qua.


Ảnh minh họa

Nhân kỷ niệm 13 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2017), quý độc giả hãy cùng chúng tôi điểm danh những doanh nhân tiếng tăm lừng lẫy và rất thành công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng 2017.

Ông Ngô Chí Dũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB). Sinh năm 1968, ông Dũng là Tiến sĩ Kinh tế và có thời gian dài học tập, kinh doanh tại Liên bang Nga. Từ năm 1996 đến 2004, ông là cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và từng giữ đến chức thành viên Hội đồng quản trị. Sau đó, ông chuyển qua Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, cũng là phó chủ tịch HĐQT. Đến năm 2010, ông Dũng có tên trong HĐQT VPBank.

Từ khi ra đời đến nay, có lẽ 2017 là năm thịnh vượng nhất của VPBank, và theo đó cái tên Ngô Chí Dũng cũng được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. VPBank là ngân hàng đã bật lên rất mạnh từ năm 2015, sau khi đã có nền tảng vững chắc những năm trước đó, một phần nhờ chính hoạt động của ngân hàng, phần còn lại đến từ công ty con là Fe Credit – đơn vị đang nắm hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng Việt Nam. Năm 2016 và nửa đầu 2017, ngân hàng này dẫn đầu khối các ngân hàng cổ phần tư nhân về khả năng sinh lời và lên kế hoạch năm sau đạt lợi nhuận tương đương với Vietcombank – ngân hàng lãi nhiều nhất trong hệ thống hiện nay, dù rằng quy mô chỉ bằng một nửa.

Cũng trong năm 2017, VPBank là ngân hàng duy nhất (tính đến thời điểm này) và là nhà băng đầu tiên kể từ năm 2014, đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. VPB chào sàn HoSE vào ngày 17/8 ở mức 39.000 đồng – đắt hơn gấp đôi so với thị giá hồi đầu năm, thiết lập một ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân. VPB không chỉ thu hút được nhà đầu tư trong nước đổ tiền mà còn chinh phục được các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quốc tế, trong đó có những cái tên lừng danh như Dragon Capital với khoản tiền nghìn tỷ rót vào.

Cùng sự kiện VPBank lên sàn, ông Ngô Chí Dũng có tên ngay trong top 15 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản tại đầu ngày 13/10 ở mức hơn 2.800 tỷ đồng. Nếu tính cả tài sản của vợ thì vợ chồng tỷ phú này có tài sản hơn 5.500 tỷ đồng (chỉ tính riêng số cổ phiếu VPB nắm giữ), và vợ ông Dũng là người giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán, chỉ kém chồng 1 bậc.

Dương Công Minh – chủ tịch Sacombank

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, là chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) kể từ 30/6/2017. Trước đó, ông Minh là người sáng lập kiêm chủ tịch của LienVietPostBank với số cổ phần nắm giữ qua công ty Him Lam (mà ông sở hữu 99% cổ phần) lên đến 15%.

Về Sacombank, ông Minh dù không muốn cũng phải thoái vốn khỏi LienVietPostBank với tài sản thu về ước hơn 1.200 tỷ đồng thời điểm trung tuần tháng 6. Sau khi về Sacombank, ông đã chi hàng trăm tỷ để mua cổ phiếu STB trên sàn.

Trong top những người giàu nhất, ông Minh hiện đứng ở vị trí thứ 69 với 689 tỷ đồng từ cổ phiếu STB, nhưng chắc hẳn ai nấy đều biết ông Minh còn có tài sản nhiều hơn gấp nhiều lần như thế khi công ty Him Lam của đại gia bất động sản này đang sở hữu hàng loạt các dự án đình đám khắp cả nước, từ những dự án sân golf, khu du lịch nghỉ dưỡng cho đến nhà ở…lên tới hàng tỷ USD.

Là nhà giàu bất động sản và ngân hàng nhưng ông Dương Công Minh lại có xuất thân từ quân đội, từng làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội. Tên tuổi của ông đã nổi như cồn từ những năm đầu thập niên 1990 và ở các nghiệp kinh doanh đều gắn với những biệt danh riêng, nào là Minh Xoài (kinh doanh xoài xuất sang Trung Quốc), Minh Him Lam, Minh Mắc ca (chủ tịch hiệp hội Mắc ca), Minh Liên Việt và nay là Minh Sacom.

Ngay sau khi đảm nhiệm ghế nóng ở Sacombank, ông đã cho “thay máu” toàn bộ bộ máy lãnh đạo, thay đổi chính sách lương thưởng cho người lao động theo hướng tăng lên, bắt tay vào xử lý nợ xấu bằng việc hợp tác cùng VAMC và tuyên bố chỉ 3-5 năm có thể đưa Sacombank trở lại thời hoàng kim.

Một điều nữa người ta cũng nhớ nhiều khi nhắc đến Dương Công Minh những ngày này đó là ông đưa ra kế hoạch đổi tên mã cổ phiếu STB sang SCM và chuyển sàn chứng khoán từ HoSE sang HNX. STB theo ông lý giải là “Sao Thái Bạch”, còn SCM là Công khai – Minh bạch, và việc đổi mã chuyển sàn chính là để “phá dớp” sao Thái Bạch đeo bám ngân hàng này. Nói cách khác, Dương Công Minh đang muốn thay tên để đổi vận cho Sacombank bằng những chính sách rất riêng, “rất Dương Công Minh”.

Đặng Khắc Vỹ – chủ tịch VIB

Ông chủ của VIB Đặng Khắc Vỹ năm nay 49 tuổi – cùng tuổi với chủ tịch của VPBank và cũng có điểm chung là Tiến sĩ Kinh tế, từng học tập và làm ăn tại Nga. Nhưng nếu Ngô Chí Dũng đã chia tay hẳn với nghiệp kinh doanh ở xứ sở Bạch Dương thì ông chủ của VIB vẫn còn qua lại.

Dù không được nhắc đến quá nhiều như Dương Công Minh hay Ngô Chí Dũng, nhưng năm nay có lẽ cũng là thời gian người ta khó quên với cái tên Đặng Khắc Vỹ. Cổ phiếu ngân hàng ông đã chính thức giao dịch trên sàn tập trung và là cổ phiếu duy nhất trong số 4 cổ phiếu dòng “bank” lên sàn trong năm nay đạt mức tăng trưởng dương (đến thời điểm hiện tại). Tài sản của ông chủ VIB đang xếp thứ 67 trong top những người giàu nhất và vợ ông đứng ngay sau với vị trí 68, rất có thể con trai ông cũng sẽ nằm trong top 70 người giàu nhất trong vài ngày tới.

Chưa hết, ông Vỹ còn được nhắc tới nhiều ở thương vụ mua lại chi nhánh của CBA tại Tp. Hồ Chí Minh hồi tháng 7 vừa qua – ngân hàng đầu tiên của Việt Nam mua lại một chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trước đó, ông cũng định mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam nhưng không thành công.

VIB hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô vừa nhưng được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động nói chung và chất lượng tài sản nói riêng, là một trong những ngân hàng “sạch” nhất hệ thống mà nhiều đối tác khát thèm.

Ngoài ra, cái tên Đặng Khắc Vỹ cũng nổi tiếng ở mảng hàng tiêu dùng. Đầu năm nay thị trường này đã “dậy sóng” khi một báo cáo cho thấy thương hiệu mì ăn liền mà ông đang kinh doanh (công ty Uniben) đã vượt lên cả thương hiệu của Masan tại thị trường nông thôn, và được cho là “nỗi kinh hoàng” của các đối thủ vốn chiếm lĩnh thị trường mì gói trước đây là Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods. Ở Nga, ông Vỹ là chủ của thương hiệu mì Mareven – nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất ở Nga và nằm trong top công ty tư nhân lớn nhất tại đây.

Nguyễn Đức Hưởng – chủ tịch LienVietPostBank

Từng là phó chủ tịch thường trực và trong năm nay chính thức lên ghế chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB), ông Nguyễn Đức Hưởng (sinh năm 1962) cũng là một cái tên được nhắc đến rất nhiều thời gian qua.

Ông Hưởng đi cùng LienVietPostBank ngay từ những ngày đầu tiên và được xem là cánh tay phải của ông Dương Công Minh ở ngân hàng này. Hồi tháng 5, khi Sacombank tìm kiếm người quản lý, ông Hưởng là một trong những ứng viên sáng giá, đã thôi chức ở Liên Việt để ứng cử vào HĐQT Sacombank, với vai trò được đồn đoán không phải đại diện của Him Lam mà có thể trong vai trò của cơ quan quản lý cử sang để giám sát. Nhưng sau đó những đồn đoán ấy không có điều nào trở thành sự thật. Ông Hưởng lại quay về Liên Việt đảm nhận vị trí mới là chủ tịch ngân hàng, còn ông Dương Công Minh sang Sacombank.

Nhiều người cho rằng ông Hưởng chỉ “hữu danh vô thực” ở Liên Việt bởi cái bóng Dương Công Minh quá lớn. Nhưng ông đã chứng minh rằng ông cũng chính là chủ của nhà băng này với việc chi các khoản tiền không nhỏ để nắm giữ cổ phần. Hiện Nguyễn Đức Hưởng đang sở hữu 4,95% vốn của LienVietPostBank với giá trị hơn 400 tỷ đồng, nằm trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cái tên Nguyễn Đức Hưởng cũng gắn với sự kiện cổ phiếu của ngân hàng này lên giao dịch trên sàn UPCoM những ngày đầu tháng 10 vừa qua với mục tiêu quyết liệt trong điều hành ngân hàng minh bạch và hiệu quả mà ông đặt ra.

Theo Trí Thức Trẻ