Vietcombank, ACB, OCB, VIB, MaritimeBank, LienVietPostBank… đã “đánh tiếng” bán nợ xấu cho VAMC.
Phó tổng giám đốc MaritimeBank, ông Trần Xuân Quảng cho biết, “Việc bán dần nợ xấu là để phòng khi áp dụng Thông tư 02/2013/TT – NHNN có thể xảy ra những tác động đột biến trong hoạt động ngân hàng”.
Người mở hàng “nhẹ vía”
Sau khi Agribank tiên phong mở hàng, 3 ngân hàng SCB, SHB, PGBank đã “nối gót” bán 846 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC vào cuối tuần trước. Và theo lãnh đạo VAMC, hôm nay (11/10), VAMC sẽ tiếp tục ký kết mua nợ của SCB.
Dự kiến từ nay đến cuối tuần VAMC sẽ mua lại hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu và nếu kịp thời hoàn thiện thủ tục còn lại, công ty sẽ mua nợ xấu của một ngân hàng “mới” ở trong khu vực phía Nam. Như vậy, tính đến thời điểm này, VAMC đã mua gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu.
Phó Chủ tịch thường trực HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngay khi ban hành Thông tư 19, VAMC đã chủ động gặp gỡ trực tiếp các TCTD như Agribank, SCB, SHB, PGBank, VPBank, Techcombank, VietABank… nắm bắt thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác mua bán, xử lý nợ xấu (XLNX). Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, VAMC đã ký kết hợp đồng mua bán nợ với một số TCTD với giá trị mua nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện khá nhiều hồ sơ đang “xếp hàng” tại VAMC để bán nợ. Đây là thay đổi rất tích cực so với trước đây – khi nhiều ngân hàng không mấy mặn mà với việc bán nợ cho VAMC, thậm chí còn có ý định “làm đẹp” sổ sách.
Theo quy định của NHNN, dù khoản nợ xấu đã được VAMC mua thì bên bán – tức TCTD – vẫn phải có trách nhiệm đến cùng với khoản nợ xấu đó. Chính vì thế, sự dè dặt của các NHTM là do có thể, họ sợ nợ sẽ bị VAMC bán tống bán tháo hoặc không ít ngân hàng nghĩ có thể tự xử lý để tránh sự “nhòm ngó” không tốt của dư luận.
“Nhưng tôi tin rằng khi vài món nợ đầu tiên được VAMC xử lý công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho ngân hàng tập trung vào mảng kinh doanh nên họ vững tâm hơn và chủ động tìm đến VAMC để bán nợ mà không cần NHNN phải áp dụng các biện pháp bắt buộc” – một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng nhận định.
Đến thời điểm này, sau khi các khoản nợ đầu tiên ký kết thành công, không ít các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt, nợ xấu dưới 3% – đối tượng không nằm trong diện phải bắt buộc bán nợ như: Vietcombank, ACB, OCB, VIB, MaritimeBank, LienVietPostBank… đã “đánh tiếng” bán nợ xấu cho VAMC.
Theo kế hoạch của VAMC từ nay đến 31/10/2013, Công ty sẽ tiếp tục rà soát, thẩm định và ký hợp đồng mua bán nợ với 9 TCTD với tổng giá trị nợ xấu mua lại 7.500 tỷ đồng.
Như vậy, tư duy về XLNX của các TCTD đã thay đổi căn bản. Một số ngân hàng tuy chưa bị báo động về nợ xấu cũng đến VAMC – như nơi tạm “gửi” gánh nặng nợ xấu. Do đó, tới đây sẽ là giai đoạn rất vất vả cho VAMC khi số hồ sơ xếp hàng bán nợ ngày càng tăng.
Chuẩn bị đón “barie” Thông tư 02
Là một trong những ngân hàng đánh tiếng bán nợ xấu, Phó tổng giám đốc MaritimeBank, ông Trần Xuân Quảng cho biết, ngân hàng đang rà soát các khoản nợ để bán những khoản nợ đầu tiên cho VAMC.
Hiện tại nợ xấu của ngân hàng khoảng hơn 2%, nếu quy ra con số tuyệt đối tương đương khoảng 400 – 500 tỷ đồng. Song MaritimeBank đang tính toán các khoản nợ nào cần bán trước do không thể bán hết trong một đợt mà sẽ phải chia thành nhiều đợt.
Lý do ngân hàng chủ động bán bớt nợ xấu cho VAMC được ông Quảng cho biết: đó là sang tháng 6/2014, Thông tư 02/2013/TT – NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các TCTD chính thức có hiệu lực.
Khi đó các ngân hàng phải phân loại nợ theo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. “Việc bán dần nợ xấu là để phòng khi áp dụng Thông tư 02 có thể xảy ra những tác động đột biến trong hoạt động ngân hàng”, ông Quảng cho biết thêm.
Phó chủ tịch HĐQT Lien VietPostBank, TS.Nguyễn Đức Hưởng cũng tiết lộ LienVietPostBank chuẩn bị bán nợ cho VAMC, nhưng hiện tại ngân hàng này đang nhường “đội bạn” (là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao – PV).
Việc phòng xa như cách làm của MaritimeBank đang được nhiều ngân hàng lên kế hoạch. Bởi nếu họ không tăng tốc XLNX, thì có nguy cơ tự làm khó mình khi nợ cũ chưa kịp xử lý, nếu cộng thêm khoản nợ xấu mới sẽ khiến các ngân hàng trở tay không kịp.
Theo dự kiến, lộ trình mua nợ xấu từ tháng 9 đến 31/12/ 2013 của VAMC là 35.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAMC, mặc dù đã có nhiều ngân hàng chủ động làm việc với VAMC nhưng cũng không ít TCTD không “mặn mà”, vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình khi bán nợ.
Thêm vào đó là chất lượng của các khoản nợ, khi mà với số lượng hồ sơ tiếp nhận ban đầu cho thấy, có nhiều khoản chưa đủ điều kiện để thực hiện ký hợp đồng mua, bán.
Do đó, mặc dù giá trị các khoản nợ được TCTD đề nghị bán tương đối lớn, có khoản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng có thực hiện được hợp đồng mua – bán hay không vẫn chưa chắc chắn.
Bên cạnh đó, còn nhiều khoản nợ có giá trị nhỏ dẫn đến khối lượng hồ sơ mà VAMC cần xử lý rất lớn.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, hàng tuần VAMC phải xử lý hàng trăm khoản nợ, điều này đòi hỏi rất nhiều nguồn nhân lực trong khi nhân sự của VAMC quá ít, sẽ khó hoàn thành được kế hoạch.
Cũng có nhiều gợi mở rằng nên có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia “xử” nợ xấu cùng VAMC và bản thân VAMC cũng rất mong muốn điều này.
Đến nay, WB đang đặt vấn đề hợp tác với VAMC trong XLNX. Nhưng, hiện tại khung pháp lý chưa đủ hỗ trợ việc hợp tác đầu tư của các tổ chức quốc tế trong XLNX, nhất là vai trò, quyền hạn của NĐT ngoại có thể bị hạn chế khi tham gia quản lý hoặc mua danh mục nợ thuộc lĩnh vực bất động sản.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hợp tác và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực XLNX tại Việt Nam. Do đó, lãnh đạo VAMC kiến nghị các cơ quan Nhà nước bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động, quyền hạn của các tổ chức nước ngoài tạo sức hút đối với NĐT này trong việc XLNX.
Theo Thời báo Ngân hàng