Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp vẫn tìm đến các trường Đại học để tìm kiếm, nuôi dưỡng những SV có thành tích học tập tốt và có năng lực làm việc để trở thành nhân viên của mình trong tương lai. Một điều bất ngờ là rất nhiều học bổng giá trị rơi vào ngay cả những SV có học lực khá, thậm trí trung bình.
Thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Hằng năm, có rất nhiều doanh nghiệp đến trường để lựa chọn sinh viên trao học bổng (khoảng 10 đến 30 triệu đồng/3-4 năm học, tùy từng doanh nghiệp) để sinh viên sẽ đầu quân vào doanh nghiệp sau khi ra trường. Tiêu chí của họ không chỉ dựa vào điểm số. Ngay cả những sinh viên có điểm trung bình vẫn được lựa chọn nhưng với điều kiện các học kỳ sau phải có kết quả học tập cao hơn. Đối với sinh viên khá giỏi thì yêu cầu phải giữ vững phong độ học tập. Họ cho rằng những SV này chính là những người có ý chí phấn đấu và có sự trung thành rất cao đối với công việc”.
Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc với SV – Ảnh: Mỹ Quyên
Ông Thông lưu ý, sau khi lựa chọn ứng viên từ rất nhiều hồ sơ, doanh nghiệp còn muốn gặp trực tiếp sinh viên để phỏng vấn. Những câu hỏi có khi không liên quan tới chuyên môn sinh viên đang theo học, mà họ quan tâm sinh viên có tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội, chương trình tình nguyện nào không; sinh viên có đủ sức khỏe, khả năng tiếng Anh thế nào, nếu cho điều hành một nhóm khoảng 3 người thì làm thế nào để công việc hiệu quả… “Họ muốn có một nhân viên không những giỏi chuyên môn mà còn giỏi các kỹ năng mềm, có khả năng tổ chức công việc ở một tầm nhìn lớn hơn” – ông Thông nhấn mạnh.
Đại diện một công ty đang trao học bổng cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng thông tin thêm: “Chúng tôi quan tâm tới những sinh viên có ý chí tiến bộ. Những bạn đó còn phải đáp ứng thêm những tiêu chí như năng động, có khả năng hòa nhập, thích nghi cao với công việc. Chúng tôi hỗ trợ một khoản tiền đủ để các bạn đóng học phí và trang trải một phần cuộc sống, đồng thời chào đón các bạn đến làm việc”.
Ngay từ năm nhất, Phan Tiến Thuận – sinh viên năm cuối ngành Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đã được nhận học bổng toàn phần của một ngân hàng trị giá 48 triệu đồng/4 năm. Thuận chia sẻ: “Mục tiêu của mình là không hoàn toàn dồn hết thời gian vào học tập, chỉ đầu tư ở mức hợp lý. Mình đã từng làm thêm tại một công ty nghiên cứu thị trường và tham gia các hoạt động đội nhóm từ khi mới bước vào đại học”.
Còn Quách Hải Đăng – sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM (được nhận học bổng gần 50 triệu đồng/4 năm học của một doanh nghiệp) – quan niệm: “Bên cạnh việc giữ vững kết quả thì trong quá trình học, mình luôn cố gắng tích lũy thêm những kiến thức xã hội và kỹ năng mềm bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, tiếp cận với môi trường làm việc thực tế”.
Theo Thanhnien online