Vì sao lao động Việt Nam tu nghiệp tại Nhật Bản lại không tìm được việc tại các công ty Nhật Bản?

Mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản đang trong cơn khát nhân lực, nhưng một lượng lớn lao động Việt Nam từng tu nghiệp ở Nhật vẫn không tiếp cận được các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng.


Ảnh minh họa

Trong một buổi hội thảo diễn ra gần đây, ngài Katsuro Nagai, Công sứ kinh tế (ĐSQ Nhật Bản) cho biết, phần đông trong 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại Việt Nam đang “khát nhân lực”.

Theo đó, khảo sát của văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết 80% doanh nghiệp Nhật Bản cần “thợ lành nghề” và tỷ lệ này tiếp tục tăng thêm khoảng 9% trong tương lai khi mà những đơn vị này mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bám sát được nhu cầu từ phía các nhà đầu tư người Nhật, thị trường lao động Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thống kê lại trong những năm gần đây lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật không ngừng tăng cao. Cụ thể, năm 2014 số thực tập sinh là 16.000 người đến năm 2015 con số này đã là hơn 27.000 người, tức tăng gần 70% qua một năm.

Bộ cũng cho biết lượng thực tập sinh về nước trong thời gian qua cũng không ngừng tăng khi năm 2015 Việt Nam tiếp nhận 10.000 lao động về nước, và trong 2 – 3 năm nữa con số này sẽ được nhân lên gấp 3.

So với những lao động được đào tạo trong nước, những thực tập sinh này có nhiều lợi thế, ưu điểm hơn. Cụ thể, những nhân sự này được đánh giá là có tiến bộ về kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc, trình độ ngoại ngữ cũng như am hiểu văn hoá, lối sống, tư duy Nhật Bản… Đây đều là những lợi thế mà khi học tập trong nước không thể có được.

Dù vậy, theo TS Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam thì nguồn nhân lực này đang bị lãng phí: Hàng vạn thực tập sinh về nước mỗi năm nhưng phần lớn lại không tiếp cận được với các doanh nghiệp Nhật Bản hoặc có chỗ làm nhưng lại không phù hợp để phát huy những kỹ năng, kinh nghiệm mà họ đã tích luỹ được.

Nghịch lý này được các chuyên gia về nhân sự giải thích thông qua 3 nguyên nhân, bao gồm:

Đầu tiên là sự nhiễu kênh thông tin cung – cầu giữa nhà tuyển dụng và ứng viên.

Thứ hai là các doanh nghiệp phía Việt Nam chưa chú trọng và làm tốt tư vấn cung cấp dịch vụ tái đào tạo bổ sung và giới thiệu việc làm cho thực tập sinh khi trở về.

Nguyên nhân cuối cùng là từ phía người lao động, dù đã có quá trình tu nghiệp ở nước ngoài nhưng không nâng cao được trình độ, hoặc có trình độ nhưng khả năng thích nghi, hoà nhập kém khi trở về Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Vũ Trường Giang – Trưởng phòng thị trường Nhật Bản (Cục Quản lý lao động ngoài nước) lại đặt ra câu hỏi về cách các ông chủ người Nhật đối xử với người lao động đã qua đào tạo ở Nhật. Liệu đãi ngộ như thế đã xứng đáng chưa, có đủ để giữ chân họ lại không, khi mà thực tế nhiều lao động dù có kỹ năng tốt, lại qua trải nghiệm tại môi trường chuyên nghiệp ở Nhật nhưng chỉ nhận được mức lương tương đương hoặc nhỉnh hơn không đáng kể với người lao động chưa qua đào tạo chuyên sâu như họ.

Vì vậy, để tránh lãng phí nguồn lao động này, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn để cung cấp thông tin về các vị trí công việc thích hợp nhất cho việc phát huy năng lực của người lao động.

Theo Trí Thức Trẻ