Tạo dựng nên một cơ nghiệp kinh doanh là điều đã rất khó. Nhưng duy trì nó thực sự là việc khó hơn nữa. Làm thế nào để nhân viên giỏi không rời bỏ công ty? Đây là điều mà một doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều cần phải quan tâm hết mực.
Một khảo sát của CEB đã cho thấy rằng một phần ba số nhân viên giỏi tại các công ty hàng đầu thường xuyên cảm thấy công việc họ đang làm nhàm chán và đang muốn tìm kiếm một công việc mới. Sự quan tâm của họ trong công việc từ từ biến mất khi người quản lý chỉ mải mê lo nghĩ tới hợp đồng hay dòng tiền mà không chú ý tới cảm giác của nhân viên và thế là họ biến mất.
Để ngăn chặn và giữ lại nhân viên tài năng, các công ty và các nhà quản lý phải hiểu những gì họ đang làm và quan tâm hơn tới nội bộ chứ không chỉ mải mê tìm kiếm hợp đồng hay mối quan hệ bên ngoài. Dưới đây là 8 hành vi tồi tệ mà công ty không nên làm nếu không muốn nhân viên giỏi rời bỏ.
1. Đưa ra nhiều quy tắc ngớ ngẩn
Công nhận một điều rằng mỗi công ty cần phải có những quy định và chính sách khác nhau, nhưng đôi khi những chính sách đó quá thiển cẩn và thiếu thực tế. Như việc đặt camera theo dõi trên bàn nhân viên, không cho kiểm tra facebook trong giờ làm hay họp kiểm tra KPI quá nhiều trong khi chỉ cần đọc báo cáo là đủ hiểu. Và khi những nhân viên giỏi cảm thấy đang bị theo dõi như mẹ chăm sóc con hay bị làm phiền đủ thứ khi họ làm việc tập trung thì hiển nhiên họ sẽ ra đi mà tìm một công việc ưng ý ở nơi khác.
2. Đối xử với mọi người như nhau
Chiến thuật này thường dùng ở trường cấp 1 cho trẻ em, bạn được kẹo thì em cũng được kẹo y hệt. Nhưng để giữ nhân viên giỏi thì không thể làm như vậy được, đối với những cá nhân giỏi công ty cần phải chăm sóc cũng như có những ưu đãi riêng biệt mục đích để họ cảm thấy rằng công ty dành ưu ái cho họ hơn những người khác.
3. Hiệu suất kém nhưng vẫn không cải thiện
Hãy nghĩ tới những ban nhạc, bạn thấy rằng đôi khi bạn nhạc chơi rất tệ mặc dù các thành viên trong đó đều có tiếng tăm và trình độ được công nhận. Trong một công ty cũng vậy, có nhiều nhân viên giỏi nhưng kết quả kinh doanh vẫn ảm đạm và hơn hết nữa ban lãnh đạo công ty không có động thái gì để cải thiện điều đó.
4. Không công nhận sự cố gắng cá nhân
Mọi người đều thích danh tiếng. Đó là tâm lý con người. Công ty triển khai chiến dịch bán hàng một tuần và nhiều cá nhân giỏi đã mang lại doanh thu lớn cho công ty. Tất nhiên là họ được hưởng hoa hồng nhiều hơn nhưng đôi khi lời khen ngợi công khai từ cấp trên mới thực sự là điều giữ họ tiếp tục găn bó với công ty.
5. Không quan tâm đến mọi người
Hơn một nửa số người rời bỏ công việc đang làm vì mối quan hệ của họ với ông chủ. Một công ty thông minh cần phải chắc chắn rằng các nhà quản lý biết làm thế nào để cân bằng được khía cạnh công việc và tình cảm giữa nhân viên với sếp. Đồng ý rằng KPIs, doanh thu luôn là thứ cần được quan tâm nhưng con người cũng là nguồn lực cực kỳ quan trọng của công ty đấy nhé!
6. Không cho nhân viên nhìn thấy toàn bộ tầm nhìn của người lãnh đạo và viễn cảnh của công ty
Họ là nhân viên giỏi, đừng quên điều đó. Nghĩa là họ có khả năng tư duy tốt, hiểu công việc và lĩnh vực đang làm không kém gì cấp trên của họ. Nếu công ty không muốn họ bỏ đi thì tốt hơn hết hãy cho họ thấy được mục tiêu, tiềm năng cũng như hướng đi của công ty sắp tới. Một mặt để họ cảm thấy quan trọng khi được chia sẻ thông tin và nếu tốt hơn hãy cho họ góp ý kiến giúp phát triển công ty.
7. Không để cho nhân viên theo đuổi niềm đam mê của họ
Google dành ít nhất 20% thời gian trong giờ làm việc để nhân việc được làm “những gì họ tin rằng sẽ có lợi cho Google nhất.”. Những nhân viên có tài năng thường có đam mê đi kèm. Cung cấp cơ hội cho họ để theo đuổi niềm đam mê cải thiện năng suất là hướng đi đúng đắn. Nhưng nhiều công ty đang đi ngược lại điều đó, họ sợ rằng nếu để nhân viên theo đuổi đam mê thì công việc sẽ bị chểnh mảng. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê của họ thì trạng thái hưng phấn sẽ tăng cao giúp cho năng suất làm việc vì thế mà tăng theo.
8. Không tạo ra những điều thú vị trong công việc
Nếu mọi người không có niềm vui trong công việc, thì bạn đang làm việc sai cách. Đôi khi công việc nhàm chán nhưng vì sự vui vẻ và không khí cởi mở trong công ty giữ họ tiếp tục gắn bó. Google là một ví dụ, Google không chỉ mang tới những công việc thú vị đúng chuyên môn mà còn là những bữa ăn miễn phí, bowling và các lớp học thể dục. Rất đơn giản rằng nếu công việc là niềm vui, bạn sẽ không chỉ thực hiện tốt hơn mà còn gắn bó nhiều thời gian hơn so với 8 tiếng quy định hàng ngày.
Theo Trí Thức Trẻ