Chiến lược Làm giàu trên đất quê hương

Làm giàu trên đất quê hương

20
Báo Financial Times, từng được coi là “kinh thánh” của giới đầu tư quốc tế vừa viết bài nói đến sự hiện diên của các quỹ đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam, và triển vọng của nền kinh tế nước này. 
Tờ báo nhấn mạnh trong ba năm gần đây nền kinh tế của quốc gia vùng Đông Nam Á này có vẻ bắt đầu cất cánh, rũ bỏ tấm áo Khổng giáo cuối cùng để gia nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Tờ báo nhận định tính trung bình lợi nhuận cho các quỹ đầu tư có thể tăng gấp đôi trong năm nay, và quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài cần phải xác lập chỗ đứng của họ tại thị trường đang tăng trưởng này càng sớm càng tốt.
Là một trong các quỹ đầu tư tiên phong để ý đến Việt Nam Quỹ Frontier Fund thuộc tập đoàn Finasa trụ sở tại Thái Lan bỏ ra 50 triệu đô la để đầu tư vào Việt Nam 1994. Sau 10 năm hoạt động trong môi trường được cho là “cực kỳ khó khăn” quỹ mất kiên nhẫn và giải thể hai năm trước đây. Tuy nhiên đối với những người đi kiếm tiền tại các thị trường mới mở mang, sự mong chờ vẫn còn đó.
Phấn khởi trước tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, và tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy mạnh, lần này Finasa lập ra một quỹ mới, nhỏ hơn như phản ánh sự dè dặt của nhà đầu tư, trị giá 15 triệu euro.
Vẫn nuôi hy vọng
James Marshall từ Finansa nhận xét về thị trường Việt Nam “Lần trước chúng tôi vào Việt Nam có phần sớm, sau đó đã không thành công. Đành phải giải thể quỹ. Phải thừa nhận rằng lúc chúng tôi đóng lại là lúc giới đầu tư đang sôi động với Việt Nam. Lần này chúng tôi lại bỏ tiền vào Việt Nam, dù chúng tôi nghĩ rằng thị trường này vẫn tiềm ẩn những rủi ro cố hữu của nó”
Khi mang tiền đến Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài gặp những rủi ro gì? 10 năm trước đây cảnh họ thường gặp là hệ thống công ty non nớt, nền hành chính chồng chéo, và thị trường chứng khoán èo uột. Và khả năng sinh lời thấp, hoặc không có.
Giờ đây, theo Dominic Scriven từ công ty đầu tư Dragon Capital, một trong các quỹ có mặt đầu tiên tại Việt Nam, thì đất nước này đang bắt đầu bước vào một giai đoạn tăng trưởng với nhiều hứa hẹn. Nhưng để đến được quãng đường này, cả khách và chủ đều đã phải “trải qua nhiều đoạn sóc đến bật ra khỏi ghế xe”
Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, Dominic Scriven nói rằng trong 11 năm kinh doanh tại Việt Nam, ba năm đầu công ty không kiếm được đồng lãi nào, kế tiếp là khủng hoảng kinh tế tại khu vực, và dù chỉ là tác động gián tiếp nhưng ba năm này Dragon Capital mất đến 1/3 tiền vốn tại Việt Nam.
Năm năm gần đây số mệnh như đang mỉm cười với vị giám đốc quỹ đầu tư biết kiên trì, khi kết quả kinh doanh mỗi năm đều được cải thiện.

Tiền ngoại quốc bò đến
Nhận thấy chiều hướng kinh doanh đang trở nên hứa hẹn trong ba năm gần đây, tiền của nước ngoài đang đổ vào Việt Nam qua các quỹ đầu tư nước ngoài. Có công ty hoàn toàn mới như PXP Vietnam Asset, hay Vietnam Holdings, trong khi các công ty cũ thì tung ra các sản phẩm mới, như VinaCapital khai trương Vietnam Opportunity Fund, và Technology Fund, và Dragon Capital khai trương quỹ thứ ba trong năm nay.
Đó là chưa kể Indochina Capital và Mekong Capital, hai trong nhiều quỹ đầu tư lớn hoạt động tại Việt Nam, đang tích cực nhòm ngó đến các công ty vừa cổ phần hóa, và khối doanh nghiệp tư nhân đang được nhà nước cởi trói nhanh.
Việc Merrill Lynch công ty tài chính có uy tín toàn cầu vừa ra báo cáo đầu tiên về tiềm năng của thị trường Việt Nam đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài nhấp nhổm không yên, và theo ông Hoàng Thanh Dương một viên chức điều hành của Vinacapital thì chính những cải cách kinh tế của Việt Nam những năm trước đây và bức tranh kinh tế thay đổi đang làm cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trở lại đến Việt Nam.

Rủi ro còn đó
Thế nhưng chưa phải là hết lo lắng. Mối lo đầu tiên của họ là quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn quá nhỏ, trong nhiều chục công ty chỉ có hai công ty lớn niêm yết, là Vinamilk và Sacombank. Giám đốc của các quỹ đầu tư muốn chính phủ đưa thêm các công ty lớn ra sàn để họ có thêm hàng và thêm sự lựa chọn.
Cạnh đó còn là thái độ ứng xử của các nhà đầu tư cá nhân khi giao dịch. Đôi khi quá nghe vào tin đồn mà họ đã làm cho thị trường lên xuống như thang máy. Rõ ràng cơ quan quản lý chứng khoán cần phải làm việc nhiều hơn nữa để tạo sự ổn định và gây dựng niềm tin cho giới đầu tư.
Trong khi kinh tế trong nước đang khởi hành để hòa nhập vào xa lộ toàn cầu vậy giới đầu tư nước ngoài kiếm tiền từ những dự án nào? Chính xác ra họ bỏ tiền vào những dự án nào, và tránh những gì?

Chọn công ty lớn
Dragon Capital tiết lộ cho Financial Times: “Chúng tôi không nhúng tay vào các công ty mới thành lập, hay các dự án nông nghiệp. Chúng tôi không mua công ty tư nhân vừa cổ phần hóa, hay công ty kinh doanh trong các lĩnh vực đơn lẻ, dễ bị trồi sụt theo sức ép của thị trường”
“Chúng tôi bỏ tiền vào các công ty ổn định sinh lời cao trong các lĩnh vực tăng trưởng nhanh. Ví dụ như năng lượng, viễn thông, tài chánh, thực phẩm, xây cất xa lộ, và khác thác tài nguyên thiên nhiên”
Vinacapital đang tìm cách chọn mặt gửi vàng những công ty có ban lãnh đạo tốt, trong các ngành công nghiệp chiến lược. Hoặc những tài sản nào mà giá đang còn mềm. Quỹ của VinaCapital tìm cơ hội trong lĩnh vực bất động sản và kỹ thuật được coi như là hai động cơ tạo tăng trưởng trong kinh tế Việt Nam.
Quỹ đầu tư quy mô nhỏ của Finansa sẽ tránh bỏ tiền vào doanh nghiệp liên doanh, hay công ty vừa thành lập. James Marshall giám đốc điều hành nhấn mạnh đến các công ty vừa cổ phần hóa tại Việt Nam, nếu thấy khả năng sinh lời tốt, quỹ sẽ hành động thật nhanh.
“Chúng tôi muốn bỏ tiền vào những lĩnh vực phù hợp với ý muốn của cổ đông. Và trong trường hợp tình hình không cải thiện nhanh, giống như hai năm trước đây, hình thức đầu tư này sẽ giúp chúng tôi rút vốn nhanh khỏi Việt Nam”

Theo Saga