Để được vào Apple, bạn sẽ trả lời sao nếu được Steve Jobs phỏng vấn: Lần đầu tiên bạn “quan hệ” là khi nào?

Thực ra, thứ ông cần không phải là một đáp án tiêu chuẩn nào đó đã được định ra từ trước mà là muốn qua đó nhìn ra được ứng viên có đủ nhiệt tình và khả năng chịu áp lực hay không.


Ảnh minh họa

Trong cuộc đời mình, huyền thoại Steve Jobs đã phỏng vấn hơn năm nghìn người, một nguyên tắc quan trọng trong việc lựa chọn nhân tài của ông chính là xem xét đặc điểm và nhân sinh quan của người ứng tuyển có khớp với “gen” của công ty hay không. Vì thế, Jobs đã nghĩ ra rất nhiều cách, trong đó có một số cách khác người, thậm chí khiến ông dễ bị hiểu lầm.

Ví dụ khi phỏng vấn, có một câu chắc chắn Jobs sẽ hỏi: “Vì sao bạn muốn tới Apple?” Thực ra, thứ ông cần không phải là một đáp án tiêu chuẩn nào đó đã được định ra từ trước mà là muốn qua đó nhìn ra được ứng viên có đủ nhiệt tình và khả năng chịu áp lực hay không.

Năm 1982, khi tuyển thành viên cho nhóm dự án chế tạo máy tính Macintosh, Jobs đã hỏi một câu khiến tất cả các ứng viên đều không ngờ tới: “Bạn đã mất trinh khi nào?” Câu hỏi này khiến rất nhiều ứng viên khi ấy trợn mắt há mồm. Thực ra, điều ông quan tâm tới không phải là câu trả lời mà là muốn xem phản ứng của ứng viên khi được hỏi tới vấn đề riêng tư như vậy, cũng như câu trả lời của họ có thể hiện sự nhanh trí hay không. Bởi vì mục đích của ông là lựa chọn được những người thực sự xuất sắc và có tư duy sáng tạo để đảm đương được việc thực hiện dự án quan trọng này.

Còn có câu chuyện khác: Một cô gái đã từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc nhân lực cấp cao của tờ The Sun tới tham gia phỏng vấn tuyển dụng của Apple. Khá dễ dàng, cô ta vượt qua được các vòng phỏng vấn kéo dài hơn mười tuần, vòng cuối cùng là đích thân Jobs phỏng vấn. Nhưng Jobs vừa nhìn cô đã không chút khách khí nói cô không thể đảm đương được chức vụ này. “The Sun là một nơi rất tuyệt, nhưng The Sun khác với Apple”. Jobs lạnh lùng nói, “Ngay từ đầu tôi đã không định tuyển dụng cô, nếu cô không có điều gì muốn nói thì có thể ra về”.

Cô ta cảm thấy rất khó hiểu, sau khi nghĩ một lát đã hỏi Jobs về sự phát triển trong tương lai của Apple, nhưng Jobs đã từ chối yêu cầu của cô. Trong quá trình phỏng vấn ngắn ngủi, Jobs nhanh chóng phát hiện ra ứng viên này không phải là nhân tài ông cần. Mặc dù thử thách này đối với ứng viên có vẻ hơi khắc nghiệt, nhưng lại là một cách hữu hiệu giúp Jobs đưa ra được phán đoán chính xác. Nếu cô gái này trong lần thử thách áp lực mà dám tranh cãi đến cùng, khiến Jobs cảm nhận được sự tự tin và lòng tin của cô thì có lẽ cô sẽ không bị ngã ngựa đau đến vậy.

Đó chính là phong cách phỏng vấn của Jobs. Jobs luôn tự cho mình hơn người, ông tin rằng bản thân mình là thiên tài. Ông cũng biết rõ, chỉ có tìm được nhân tài ưu tú nhất mới có thể sáng tạo ra giá trị lớn nhất. Chính vì vậy, nội bộ Apple có cách nhìn nhận và đánh giá rất rõ ràng về nhân tài, và họ chỉ lựa chọn nhân tài trong các nhân tài.

– Jobs không phải là chuyên gia về kĩ thuật máy tính thì đã có Wozniak là thiên tài máy tính, chính ông là người đã sáng tạo ra sản phẩm Apple và Apple II đầu tiên. Jobs và Wozniak đã cùng nhau chia sẻ thành công đầu tiên của hãng máy tính Apple.

– Jobs không am tường về bán lẻ nên ông mời bậc thầy bán lẻ Ron Johnson về dẫn dắt Apple bước vào ngành bán lẻ.

– Jobs không hiểu về marketing, vì vậy ông mời chủ tịch của PepsiCo là John Sculley về phụ trách công tác marketing của Apple.

– Jobs không biết làm kĩ xảo trên máy tính, nhưng không sao, ông có đội ngũ hàng đầu Hollywood là “Lasseter + Catmull”.

– Jobs không tường tận về âm nhạc, không sao, ông có thể hợp tác với các công ty đĩa hát hàng đầu trong ngành như Sony.

– Jobs không biết thiết kế, dĩ nhiên cũng không sao, chỉ cần ông biết thế nào là một thiết kế hoàn mĩ thì sẽ có người hoàn thành bản thiết kế hoàn mĩ cho ông.

– Jobs không biết làm quảng cáo, nhưng ông sẽ mời công ty quảng cáo giỏi nhất để thực hiện việc quảng cáo cho Apple.

Jobs không thể tinh thông tất cả các nghiệp vụ, nhưng với vai trò là người quản lí cao nhất của Apple thì có một việc vô cùng quan trọng mà ông đã làm được chính là tập hợp những nhân tài tinh thông các nghiệp vụ khác nhau lại để họ cùng phục vụ cho Apple.

Sau khi thành lập xong đội ngũ nhân viên, Jobs sẽ cho họ đủ sự tự do để họ tùy ý phát huy khả năng sáng tạo của mình, còn bản thân Jobs đóng vai một người điều hành. Tất cả giống như ông đã từng nói: “Trong việc tìm kiếm nhân tài ưu tú nhất trên thế giới, mỗi điều tôi làm đều đáng giá”.

Theo trí thức trẻ