Tại sao thủ khoa ra trường hiếm khi giàu có và nổi tiếng bằng những người tốt nghiệp điểm số chỉ ở mức trung bình?

Nếu bạn đọc bài báo này và nghĩ nó sẽ nói về việc học sinh tốt nghiệp hạng ưu của trường phổ thông lại trở nên lười biếng, vô công rồi nghề, vậy thì bạn đã lầm rồi.


Ảnh minh họa

Một nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Boston đã theo dõi các học sinh tốt nghiệp thủ khoa và á khoa khi bước vào tuổi trưởng thành, và thực tế cho thấy hầu hết các em đều có được thành công theo quan điểm truyền thống. Đa số đều tốt nghiệp đại học với điểm trung bình GPA là 3,6/4, có bằng cao học, và gần một nửa trong số đó có được những vị trí lãnh đạo cao.

“Nhưng có bao nhiêu em trong số đó đã thay đổi, lãnh đạo, hoặc tạo dấu ấn đặc biệt với toàn thế giới?” Eric Barker đặt câu hỏi trong cuốn sách mới của ông, “Barking Up the Wrong Tree”, (tạm dịch: Lầm đường lạc lối) trích dẫn từ nghiên cứu. “Câu trả lời dường như đã rõ: Không ai cả.”

Quan điểm của Barker là mặc dù các sinh viên tốt nghiệp hạng ưu thường thành công, nhưng rất ít người trong số đó đạt được thành công vang dội đến mức chúng ta phải mơ ước.

Thay vào đó, những đứa trẻ phải vật lộn với việc học hoặc không thực sự thích kiểu đào tạo chính quy lại có nhiều cơ hội đạt đến thành công tột đỉnh. Thực tế, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 700 triệu phú và kết quả cho thấy điểm GPA trung bình của họ chỉ đạt 2,9.

Theo ngài Barker, điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân.

1. “Nhà trường đánh giá cao những sinh viên luôn biết nghe lời.” – và cuộc sống lại giành phần thưởng cho người “làm rối tung mọi thứ”.

Karen Arnold, nhà nghiên cứu của Đại học Boston, chia sẻ với Barker: “Cơ bản chúng ta đang đi theo lối tư duy một chiều, biết vâng lời và thỏa mãn với hiện tại để gắn liền với hệ thống”.

Nói cách khác, học sinh ưu tú biết giáo viên muốn gì và các em luôn cố gắng đáp ứng mong muốn này.

Nhưng hãy nghĩ đến những nhà tư tưởng và lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên thế giới, hầu hết họ đều đưa ra giải pháp khác biệt cho các vấn đề chính trị hoặc khoa học. Bạn sẽ không bao giờ trở nên nổi tiếng nếu cứ mãi làm việc đều đặn và chẳng có một điểm nhấn nào.

Trong chuyến thăm văn phòng tờ Bussiness Insider ở New York hồi tháng năm, ông Barker giải thích: ” Ở trường học, quy tắc rất rõ ràng. Ở trường đời thì ngược lại. Vậy nên, những ai không chơi theo luật lại chiếm ưu thế hơn một khi họ biết cách vượt ra khỏi hệ thống khép kín như hệ thống giáo dục.”

2. “Trường học đánh giá cao những người giỏi toàn diện” trong khi cuộc đời trao thưởng cho người có đam mê và chuyên tâm vào một lĩnh vực nhất định.

Barker nhận định kể cả khi bạn rất yêu thích môn lịch sử ở trường trung học thì bạn vẫn không thể dành hết thời gian để nghiên cứu thời kỳ Phục hưng châu Âu. Đôi khi, bạn phải dừng lại và chuyển sang làm bài tập về nhà môn Toán.

Nhưng khi bước chân ra trường đời, bạn cần phải vượt trội hơn trong một lĩnh vực cụ thể, và kiến ​​thức hoặc kỹ năng khác sẽ không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Arnold nhận thấy rằng những học sinh thông minh ham học hỏi thường phải đấu vật lộn với đống bài vở trên trường, họ nghĩ hệ thống giáo dục thật “ngạt thở” bởi vì nó không cho phép họ theo đuổi đam mê của mình.

Trong bài phỏng vấn với Business Insider, Barker đưa ra kết luận chung từ cuộc nghiên cứu như sau: “Học sinh ưu tú thường trở thành người ủng hộ hệ thống, họ trở thành một phần của hệ thống đó và rồi họ không muốn thay đổi hay cải cách hệ thống”.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa nếu bạn từng là học sinh ưu tú thời trung học phổ thông, bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công vang dội. Nhưng bạn phải nhớ rằng chơi theo quy tắc sẽ không cho bạn tiến xa hơn. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đi ngược với đám đông và luôn kiên định với nó, bạn sẽ có cơ hội để tiến xa hơn – dẫu việc này không dễ dàng.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/BI