Cách mạng 4.0 được xem là từ phổ biến trong thời gian gần đây trên truyền thông. Hiểu nôm na là công nghệ cao sẽ làm thậm chí suy nghĩ hộ công việc của con người. Mới đây tại một hội thảo về cuộc cách mạng này, ông Đào Hữu Huyền, Công ty Cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang cũng chia sẻ rằng nguy cơ robot thay thế con người là hoàn toàn có thật ở Việt Nam.
Với nhiều người có thể nhiều người chưa thấy được sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng này nhưng có ngành công nghệ thông tin đã được hưởng lợi ngay từ lúc này như chính lời tâm sự của doanh nhân trên. Nhu cầu tuyển dụng ngành này rất sôi động bất chấp thất nghiệp các ngành khác đang gia tăng.
89,9% ý kiến được khảo sát trong sự kiện ICT Summit 2017 cũng đồng tình rằng ngành công nghệ thông tin có lợi thế lớn nhất trong thời đại cách mạng 4.0. Báo cáo về mức lương, phúc lợi và xu hướng ngành IT quý I và II năm 2017 do chuyên trang tuyển dụng IT TopDev vừa công bố hồi tháng 7 cũng khắc họa rõ thêm bức tranh nhân lực ngành này.
Theo đó sinh viên mới ra trường ngành này có thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng và sẽ tăng đáng kể chỉ sau 1 năm. Lương với người có 2 năm kinh nghiệm dao động từ 17-18,5 triệu đồng. Đây là những người được săn đón nhất khi chiếm tới 75% nhu cầu thị trường.
Vị trí giám đốc lương còn khủng hơn khi các công ty cho biết sẵn sàng trả mức lương 52,2-64,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vị trí này hiện chỉ chiếm 1% nhu cầu của thị trường tuyển dụng và hiện cũng là vị trí đang khó tuyển hàng đầu.
Số liệu của Topdev cũng trùng hợp với báo cáo lương của Adecco công bố hồi tháng 3. Công ty này cho biết vị trí Support, Helpdesk có mức lương ‘bét bảng’ trong ngành IT nhưng cũng dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với vị trí đứng đầu là CIO có mức lương từ 100-150 triệu đồng và đòi hỏi tối thiểu 15 năm kinh nghiệm. Vị trí giám đốc IT cũng nhận con số khủng từ 60-100 triệu đồng mỗi tháng.
Lương ngành IT, nguồn: Adecco Salary 2017.
Thu nhập tốt nhưng theo đánh giá của Navigos Search, cung cầu ngành công nghệ thông tin đang mất cân đối nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2018, thị trường cần 350.000 lập trình viên, gấp 20 lần so với năm 2016. Trong khi đó thị trường hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 200.000 lập trình viên, tức là thiếu 150.000 nhân lực.
Cái khổ của doanh nghiệp không chỉ là nhân lực đầu vào mà còn bởi tính đứng núi này trông núi nọ với tình trạng nhảy việc liên tục. Một phần nguyên nhân đến từ việc sẵn sàng phá giá, trả lương vượt khung rất cao để thu hút nhân sự trong ngành. Thậm chí các công ty gia công phần mềm còn cho biết họ chỉ dám tuyển dụng những sinh viên mới ra trường rồi đào tạo chứ rất hạn chế tuyển dụng các trường đầu bảng bởi các ứng viên hét giá quá cao.
Tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng cao không đồng nghĩa với chất lượng ngành công nghệ thông tin cũng tương xứng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng nhận xét rằng: “Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do doanh nghiệp của Việt Nam yếu nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng”.
Về phía đào tạo, chia sẻ với báo Tuổi trẻ, một giảng viên khoa CNTT trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM cho biết điều khiến khoa đau đầu là mục tiêu tốt nghiệp của sinh viên “càng sớm càng tốt” thay vì “càng chắc càng tốt”, mà như vậy nền tảng kiến thức khó mà vững chắc. Doanh nghiệp tuyển dụng cũng đầy lòng thất vọng khi sinh viên ứng tuyển vào vị trí đòi mức lương không hề thấp.
Vị giảng viên này nêu ví dụ là số lượng sinh viên chọn thực hiện khóa luận tốt nghiệp ngày càng giảm đến mức khoa phải tổ chức hai kỳ bảo vệ khóa luận/năm thay vì một lần/năm như trước đây, trong khi khóa luận là cách giúp sinh viên tổng hợp được các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề và nhiều kỹ năng khác…
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn (tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, giám đốc Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung) cũng chia sẻ với báo chí: “Thu nhập khối IT đang rất “ảo”.
TS Trần Việt Hùng, nhà sáng lập GotIt! Cũng nhận định thị trường nhân lực kỹ sư phần mềm hiện bị “loạn”. Thâm chí tại công ty của anh dù sẵn sàng trả xứng đáng với năng lực, tuy nhiên nhiều khi vẫn bị sốc khi nghe mức lương đề nghị từ một vài ứng viên
Có người lo ngại giống như thời của bong bóng bất động sản nhân sự ngành công nghệ thông tin cũng sẽ xuất hiện bong bóng. Và nó có thể vỡ bất cứ lúc nào khi mà cơn sốt nhân lực đi qua và sẽ để lại hệ lụy khôn lường.
Theo trí thức trẻ