Nhiều khi sự thất bại trong công việc không phải do bạn mắc sai lầm hay có mối quan hệ không tốt với sếp, mà bắt nguồn từ chính suy nghĩ, quan điểm của bạn.
Những người có tư tưởng dưới đây thường được đánh giá là thiếu năng lượng, động lực để tạo ra thành công cho bản thân mình. Nếu có một hay nhiều tư tưởng này, bạn nên nhanh chóng loại bỏ để tự tin phát triển sự nghiệp:
“Giá trị của bản thân chính là những điều người khác nói về mình”
Một số người xác định bản thân dựa trên những gì sếp, đồng nghiệp, người thân, bạn bè nhìn nhận họ. Vì thế nên khi người khác nghĩ, nói điều không tích cực về mình, họ sẽ trở nên thiếu sự tự tin và mặc định rằng mình đúng là thiếu năng lực như mọi người nói. Kết quả là họ không màng tới hành động hay kế hoạch để cải thiện, phát triển bản thân.
“Tương lai rồi sẽ giống như quá khứ và hiện tại”
Khi một số người trải qua thất bại, họ cho rằng mục tiêu của họ là không thể đạt được. Do đó, họ trở nên mất tinh thần, dũng khí và tránh đương đầu với thách thức. Đây là một tư tưởng sai lầm bởi sẽ làm vậy là bạn đã hạn chế cơ hội phát triển của chính mình. Bất cứ thành công nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực, dám đương đầu với khó khăn. Một lần thất bại không có nghĩa là mãi mãi thất bại. Hơn nữa, “thất bại là mẹ thành công”, sau mỗi lần vấp ngã, bạn sẽ biết rút ra bài học để vững tiến trên chặng đường tiếp theo.
“Số phận của tôi được định đoạt bởi người khác”
Một số người tin rằng địa vị của mình trong cuộc sống, thậm chí khả năng là con người của mình được quyết định bởi vận may, định mệnh hoặc thần linh. Những niềm tin vô định như vậy khiến họ mất sáng tạo, trở nên thụ động vì mải chờ vận may của mình để thay đổi. Cuộc sống là của bạn, hãy tự quyết định điều mình muốn làm, vạch ra mục tiêu và lập kế hoạch để hiện thực hóa chúng.
“Cảm xúc của mình phản ánh chính xác hiện thực khách quan”
Thật sai lầm nếu đánh giá về một vấn đề hay con người một cách phiến diện từ quan điểm của riêng bạn. Một người bảo thủ như vậy sẽ khó thích nghi với thay đổi cần thiết để phát triển. Vì vậy, bạn nên học cách nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, lắng nghe những đóng góp tích cực của mọi người trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Mục tiêu mình muốn đạt được phải là sự hoàn hảo”
Do sự hoàn hảo là điều không thể đạt được nên người tìm kiếm nó rốt cuộc chỉ khiến bản thân thất vọng. Người hoàn hảo đổ lỗi cho thế giới khi kết quả không hoàn hảo như kỳ vọng thay vì vươn tới một đích đến khả thi hơn. Cũng chính vì vậy mà người theo xu hướng hoàn hảo khó đạt tới những thành công vượt trội.
Theo Dantri